Nam Phi: Virus SARS-CoV-2 đột biến hơn 30 lần trong cơ thể một bệnh nhân bị HIV

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: AP
Ảnh minh hoạ: AP
TPO - Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi đã ghi nhận một phụ nữ nhiễm HIV bị COVID-19 “hành hạ” dai dẳng suốt nhiều tháng.

Người phụ nữ 36 tuổi được xác định mắc COVID-19 lần đầu tiên hồi tháng 9/2020 sau khi có các triệu chứng bao gồm ho, đau họng và khó thở trong 12 ngày.

Cô nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được cho thở oxy và xuất viện sau chín ngày.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi được xuất viện, kết quả xét nghiệm của người phụ nữ này vẫn tiếp tục dương tính trong hơn bảy tháng sau đó (216 ngày).

Các chuyên gia phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân này đã trải qua 32 lần biến đổi gien. 13 lần trong số đó có liên quan đến protein đột biến. Các đột biến khác giống với những đột biến thường thấy trong các biến chủng bao gồm biến chủng Alpha (từ Anh) và biến chủng Beta (từ Nam Phi).

Nhóm nghiên cứu từ Đại học KwaZulu-Natal ở Durban cho biết phát hiện này là bằng chứng thực tế đầu tiên cho thấy những bệnh nhân nhiễm HIV không được điều trị - với hệ thống miễn dịch suy giảm - có thể cho phép virus SARS-CoV-2 bám rễ và đột biến thành các biến thể có khả năng gây chết người, từ đó lây lan sang người khác.

Trước đó, nữ bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2006, nhưng các bác sĩ đã không thể kiểm soát tải lượng virus của cô bằng liệu pháp kháng retrovirus truyền thống.

Để điều trị dứt điểm COVID-19, các bác sĩ đã quyết định đổi thuốc kháng virus cho nữ bệnh nhân. Và chỉ trong vòng hai tuần, tải lượng virus của người này đã bắt đầu giảm.

Cuối cùng, vào ngày thứ 233 sau khi nhận kết quả dương tính lần đầu tiên, nữ bệnh nhân nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Còn quá sớm để kết luận liệu người phụ nữ nói trên có phải là một trường hợp cá biệt hay không. Nhưng nếu không, điều đó có nghĩa là những bệnh nhân nhiễm HIV không được điều trị có thể làm lây lan các biến chủng SARS-CoV-2 có khả năng gây chết người.

Tác giả chính của nghiên cứu - bác sĩ Tulio DeOliviera, một nhà di truyền học tại Đại học KwaZulu-Natal, nói thêm rằng việc mở rộng xét nghiệm và điều trị HIV “sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong do HIV, giảm lây truyền HIV và cũng giảm cơ hội tạo ra các biến thể COVID-19 mới”.

Hiện tại, Liên Hợp Quốc ước tính có 7,5 triệu người lớn và trẻ em ở Nam Phi bị nhiễm HIV.

Khi một người nhiễm HIV, virus sẽ tấn công và phá huỷ tế bào miễn dịch, lâu dài có thể dẫn đến căn bệnh chết người AIDS.

Ở Nam Phi, các ca nhiễm HIV thường không được phát hiện và gần 10 phần trăm người dân được cho là không biết rằng họ mang virus.

Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG