Năm nay vẫn thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển ĐH riêng

Năm nay vẫn thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển ĐH riêng
Ngày 8-1, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị thi và tuyển sinh năm 2008. Những nội dung quan trọng nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ được bàn thảo để đi đến quyết định chính thức.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - xung quanh phương hướng thực hiện kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2008.

TS Nguyễn An Ninh:

Năm 2008, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ riêng. Cả hai kỳ thi phải được thực hiện thật sự nghiêm túc, đánh giá đúng trình độ học sinh (HS), đúng thực trạng chất lượng giáo dục THPT.

Về cơ bản, cấu trúc đề thi đối với cả trắc nghiệm và tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2008 sẽ như Bộ GD-ĐT đã công bố, tương tự cấu trúc, mức độ yêu cầu của các đề thi năm 2007.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý việc thực hiện qui định về phần tự chọn liên quan đến chương trình phân ban trong đề thi năm nay sẽ chặt chẽ hơn. Những thí sinh không thực hiện đúng yêu cầu của đề thi đối với phần tự chọn sẽ bị xử lý theo đúng qui chế.

Cũng từ năm 2008, bộ sẽ tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ môn tiếng Đức và tiếng Nhật cho những thí sinh học hai ngoại ngữ này, nâng tổng số ngoại ngữ trong các kỳ thi quốc gia lên sáu thứ tiếng.

Với việc xác định bốn môn thi theo phương thức trắc nghiệm, có phải những môn thi này sẽ đương nhiên có mặt trong số các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2008 hay không, thưa ông?

Năm nay vẫn thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển ĐH riêng ảnh 1
Năm nay, cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ tiếp tục tham gia công tác coi thi tốt nghiệp THPT

Sáu môn thi của kỳ thi THPT năm nay vẫn sẽ được bộ công bố vào thời điểm cuối tháng ba.

Đến thời điểm này chỉ có thể khẳng định trong số sáu môn của kỳ thi tốt nghiệp chắc chắn có ba môn toán, văn và ngoại ngữ, trong đó môn ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.

Nếu có môn nào trong số ba môn thi còn lại cùng với môn thi thay thế ngoại ngữ (đối với những HS không được học một ngoại ngữ đủ chương trình ba năm hoặc bảy năm) rơi vào các môn thi vật lý, hóa học và sinh học thì đề thi sẽ được ra theo hình thức trắc nghiệm. Nếu đó là các môn lịch sử, địa lý thì vẫn thi theo dạng đề tự luận.

Năm nay, bộ có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần hai không?

Những nét mới tuyển sinh 2008

Theo Bộ GD-ĐT, cơ bản công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 vẫn giữ ổn định theo giải pháp ba chung như năm 2007. Tuy nhiên, để tiếp tục cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và thiết thực, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 có một số điểm mới: khối D, môn ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh (D1), tiếng Nga (D2), tiếng Pháp (D3), tiếng Trung (D4), năm 2008 môn ngoại ngữ bổ sung tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6).

Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn đề thi dùng chung cho các trường CĐ có tổ chức thi (kể cả các môn thi bằng phương pháp trắc nghiệm và các môn thi tự luận), trừ các môn năng khiếu.

Cấu trúc đề thi gồm hai phần: phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban.

Thí sinh chỉ được chọn một trong hai phần câu hỏi tự chọn để làm bài. Thí sinh nào làm cả hai phần câu hỏi tự chọn (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm qui và phải nhận điểm 0 của môn thi đó.

Bộ GD-ĐT đã thống nhất chủ trương tiếp tục tổ chức thi lần hai cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2008.

Kỳ thi tốt nghiệp lần hai sẽ được tổ chức vào khoảng cuối tháng tám dành cho những thí sinh chưa đạt yêu cầu trong kỳ thi tốt nghiệp lần thứ nhất với số môn thi, hình thức thi tương tự lần một.

Có lẽ đây sẽ là kỳ thi tốt nghiệp lần hai cuối cùng, cố gắng đến năm 2009 không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp lần hai nữa.

Thưa ông, đối với đề án đổi mới tổng thể thi và tuyển sinh đã được đưa ra lấy ý kiến trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT có phương án cụ thể nào để áp dụng từ năm 2009?

Sau khi lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhiều đối tượng, tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như kinh nghiệm tổ chức thi trong và ngoài nước, lãnh đạo Bộ GD-ĐT tái khẳng định chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh theo phương hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2009.

Sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới thi và tuyển sinh theo hướng đó xuất phát từ hiện trạng thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN  ở nước ta trong những năm qua: tổ chức nhiều kỳ thi giống nhau cho cùng một đối tượng dự thi, thi đồng loạt, qui mô lớn, chưa kiểm soát chặt chẽ, do đó đánh giá không đúng năng lực thí sinh.

Coi thi luôn là khâu yếu nhất, thiếu khách quan. Thi theo hình thức tự luận bộc lộ nhiều hạn chế, kết quả kém chính xác. Xã hội và bản thân thí sinh cùng gia đình luôn tồn tại áp lực nặng nề về thi cử, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của đối với các kỳ thi.

Vậy thí sinh cần chuẩn bị đón lộ trình Bộ GD-ĐT triển khai đổi mới tổng thể thi và tuyển sinh như thế nào, thưa ông?

Từ năm 2009 sẽ tổ chức chỉ một kỳ thi THPT quốc gia. Trong ba năm từ 2009-2011 sẽ tổ chức thi đồng loạt, ở tất cả đơn vị thi trên toàn quốc, theo cùng một lịch thi, cùng một đề thi cho mỗi môn.

Từ năm 2012 sẽ tính đến phương án tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, với các đề thi khác nhau sao cho điểm thi ở các nơi đều có giá trị tương đương nhau. Ngay trong quí 1-2008, chúng tôi sẽ khẩn trương xây dựng qui chế kỳ thi THPT quốc gia để chuẩn bị cho việc triển khai từ năm 2009.

Về phía thí sinh, đối với khóa tốt nghiệp và dự thi tuyển sinh năm 2008 vẫn thi như phương án đã nói ở trên. Từ năm 2009, khóa HS đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình THPT phân ban đại trà, HS tốt nghiệp bổ túc THPT sẽ chỉ thi một kỳ thi THPT quốc gia.

Đối với những HS chưa trúng tuyển ĐH, CĐ năm 2008 muốn tiếp tục tham gia xét tuyển năm 2009 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Kết quả thăm dò ý kiến về một kỳ thi THPT quốc gia

*  82,65% ý kiến đồng ý: thi tốt nghiệp THPT bằng năm môn gồm ba môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ + 1 môn bắt buộc do Bộ GD-ĐT qui định từng năm + 1 môn do thí sinh tự chọn.

* 86,98% ý kiến đồng ý:  xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN: chuyển việc tuyển sinh theo khối thi sang việc xét tuyển theo ngành học. Các yêu cầu tuyển sinh do trường đề ra đối với từng ngành đào tạo, theo ba phương án:

- Phương án 1: ba môn văn hóa (ít nhất một trong các môn: toán hoặc ngữ văn hoặc ngoại ngữ); môn thi có thể được nhân hệ số hoặc qui định điểm tối thiểu đối với môn quan trọng nhất.

- Phương án 2: đối với ngành năng khiếu, thí sinh phải thi hai môn văn hóa (trong đó có ít nhất một trong các môn: toán hoặc ngữ văn hoặc ngoại ngữ) và môn năng khiếu; môn thi có thể được nhân hệ số hoặc qui định điểm tối thiểu đối với môn quan trọng nhất.

- Phương án 3: đối với những ngành có yêu cầu đặc biệt như sư phạm ngoại ngữ, báo chí, đối ngoại, chất lượng cao…, sau khi có kết quả ở kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải thi tại trường ĐH, CĐ, TCCN bài thi tự luận, vấn đáp, thực hành... của hai môn thi (tối đa), trong đó có một môn đặc thù ngoài tám môn đã thi; số thí sinh được chọn dự thi tại trường tối đa bằng 1,5 lần số chỉ tiêu.

(Nguồn: Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT)

Theo Thanh Hà
Tuổi trẻ 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.