Năm năm cuộc chiến phòng, chống tham nhũng: Thế trận lòng dân

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong
TP - “Trước đây, phát hiện tiêu cực từ to thành bé, từ bé thành không nhưng giờ phát hiện rồi, bị áp lực xã hội nên phải mở rộng ra, có khi thấy chỉ một đốm lửa nhưng sờ vào thấy cả đám cháy. Có thể nói đây là một thế trận, đánh giặc hay đánh tham nhũng đều phải có thế trận”, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong nói.

Chủ yếu là hậu quả của những thời kỳ trước

Thưa ông, từ năm 2016 đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt. Ông nhận xét gì về kết quả của công cuộc này?

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đạt hiệu quả cao và có nhiều điểm mới đáng hoan nghênh. Có thể kể đến Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung thêm nhiều nội dung nhằm đảm bảo sự liêm chính cả ở ngoài khu vực công, ngăn chặn việc móc ngoặc trong ngoài. Như vậy, thể chế, cơ chế, chính sách chống tham nhũng được thiết lập tương đối đồng bộ và nhận được sự đánh giá cao từ thế giới, thể hiện qua số điểm chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta tiến vượt bậc từ 2016 tới nay.

Trước đây bị kiểm điểm, bị bắt vì tội tham nhũng ở cấp Trung ương là rất hiếm, nhưng hiện giờ, cán bộ sai phạm đã bị chỉ đích danh như những vụ án vừa qua. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, những ông to này nếu không xử lý được, bên dưới cũng chạy theo bởi nó mang tính chất dây chuyền. Giống như cái cây, càng cổ thụ càng có nhiều rễ, nên giải quyết ông to sẽ giải quyết được hàng loạt anh bé.

Cái mới tiếp theo là “4 không”, gồm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền và không một tổ chức, cá nhân nào tác động được. Trước kia, chống tham nhũng sẽ chịu áp lực, ông này nói hộ bà kia, trường hợp này phải ngoại lệ… nhưng giờ không có. Nhiều vụ án lớn xảy ra ở cấp Trung ương đã được giải quyết, các địa phương nhìn vào làm theo.

Nhiệm kỳ vừa qua, hơn 53.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật trong đó nhiều cán bộ cấp cao, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Trung ương. Phải nói thêm, các vụ án chủ yếu là hậu quả của thời kỳ trước và được xử lý trong giai đoạn này. Mình phải giải quyết hậu quả tích tụ, bây giờ mới có thể điều tra theo yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Qua đây, ta có thể thấy Đảng, cơ quan tư pháp đã mạnh lên, yếu như trước sẽ không làm nổi.

Cần chính sách dưỡng liêm cho lực lượng chống tham nhũng

Sự tham gia của người dân có tác động ra sao tới việc phòng, chống tham nhũng hiện nay thưa ông?

 Sự tham gia của nhân dân, báo chí vào công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua rất mạnh và qua đó tạo ra sức ép, tạo áp lực xã hội lên những vấn đề lớn, vụ việc đã phát hiện. Trước đây, phát hiện tiêu cực từ to thành bé, từ bé thành không nhưng giờ phát hiện rồi, bị áp lực xã hội nên phải mở rộng ra, có khi thấy chỉ một đốm lửa nhưng sờ vào thấy cả đám cháy. Có thể nói đây là một thế trận, đánh giặc hay đánh tham nhũng đều phải có thế trận.

Cùng với hệ thống pháp luật, dư luận khiến người tham nhũng phải chùn bước, thấy xấu hổ, mất hết danh dự và cái này quan trọng trong phòng chống tham nhũng. “Mua danh ba vạn, bán danh 3 đồng”, nhìn thấy mất mát đó, con người buộc phải tốt lên, phải nêu được tấm gương của mình ngay trong gia đình chứ chưa nói đến xã hội. Đi liền với mất danh dự, tội phạm tham nhũng cũng bị tịch thu tài sản dù việc này là khó bởi tiền của tham nhũng được sẽ chạy đủ chiều, đủ hướng chứ không nằm một chỗ như trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.

Giai đoạn tới, theo ông cần thực hiện những biện pháp gì để giữ vững được “trận địa” phòng, chống tham nhũng?

Việc cần làm là phát hiện tới đâu, khoanh vùng xử lý tới đó, quây lại, đánh nhanh diệt gọn để không cho kẻ tham nhũng đối phó bằng chứng từ, nhân chứng thậm chí diệt khẩu hoặc chạy ra nước ngoài… Tại sao bà Hồ Thị Kim Thoa nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương chạy được ra nước ngoài? Các ông bảo chưa khởi tố chưa thể bắt người là đúng nhưng sao lại để họ có thời gian đối phó, hợp thức hóa?

Cái nữa là phải bảo vệ những người phát hiện, xử lý tham nhũng bởi những lợi ích nhóm sẵn sàng sử dụng nhiều biện pháp, kể cả xã hội đen để trù dập, làm người tố cáo im lặng. Tôi biết nhiều trường hợp lãnh đạo thiếu nghiệp vụ, nhận đơn tố cáo ở đơn vị, địa phương nhưng lại chuyển nguyên xuống cho đơn vị, địa phương đó xử lý. Đúng ra, anh chỉ trích một số nội dung cơ bản để điều tra, giám sát nhưng lại đưa nguyên làm lộ người tố cáo.

Cuối cùng, phải xây dựng đội ngũ người phòng, chống tham nhũng thật tinh thông nghiệp vụ, với bản lĩnh kiên cường để tham gia cuộc chiến này. Đồng thời, phải bổ sung chính sách dưỡng liêm, họ có thể nhận gấp 2 - 3 lần lương bình thường. Như vậy mới tạo đội ngũ chuyên nghiệp, “đánh” tham nhũng hiệu quả và tôi tin, nhân dân ủng hộ
việc này.

Cám ơn ông!

Năm 2019, cơ quan chức năng thu hồi hơn 35.000 tỷ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự cả nước thu hồi trên 37.000 tỷ đồng; riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi đã thu hồi, phong tỏa, ngăn chặn tẩu tán số tài sản trị giá trên 11.700 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. 

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...