Nằm lại với Hoàng Sa

Nằm lại với Hoàng Sa
TP - Lão hơn 70 tuổi, đầu bạc trắng, người cao thước bảy, da đồng hun, cơ bắp cuồn cuộn như trai biển thủa đôi mươi. Lão là linh hồn cuộc chơi, linh hồn của những chuyến ra khơi. Giờ đây, không ai biết lão đang ở đâu, chỉ biết rằng mộ gió đã nghi ngút khói hương. Lão đã vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa?

> 300 triệu đồng để 'sói biển' Mai Phụng Lưu bám biển

Lão ngư hào hoa

Ngồi trong căn nhà lão ở thôn Tây xã An Hải, được chính những người con kể về lão, tôi thảng thốt nhận ra, đảo tiền tiêu Lý Sơn vừa mất đi một linh hồn của những chuyến đi Hoàng Sa. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương, vẫn mái tóc trắng xóa, lão nhìn xuống, mắt như hấp háy cười.

Mấy người con của lão kể rằng, anh Nguyễn Văn Cần – người con trai thứ 3 là người được lão thương nhất. Thật dễ hiểu, anh Cần sinh ra đã bị dị tật, liệt cả hai chân nên bây giờ, đã 43 tuổi, vẫn chưa vợ con, sống nhờ vào ruộng tỏi ít ỏi của vợ chồng em gái. Buổi trưa tôi đến nhà, anh Cần vui lắm, đang ngồi trên xe lăn trầm ngâm ngóng ra biển, vụt cái cười vui.

“Lâu lắm mới có nhà báo đến thăm ông ba, không biết giờ này ông mất tích nơi nào. Gia đình coi như tuyệt vọng rồi. Nhưng tui vẫn mong mỏi một ngày nào đó, ông trở về. Không biết trời có cho phép lạ nào không”. Lão ngư Nguyễn Đảng 72 tuổi, cả đời bám biển nên hiếm lắm mới có dịp về nhà, nhưng trong tâm trí anh Cần, vẫn hiển hiện như in người đàn ông đã qua tuổi thất thập nhưng sức khỏe không kém thanh niên. “Ổng khỏe lắm, 70 rồi mà tửu lượng cao lắm. Thanh niên không đọ lại ổng đâu, khối cậu nhìn mà thèm” – anh nói.

Anh Cần kể rằng, từ thủa anh lọt lòng, ba anh đã là một sói biển cừ khôi, được làng trên xóm dưới kính nể bởi lòng gan dạ, dũng cảm và thông minh trong chuyện đoán hướng gió, xem ngày đi. Ở Lý Sơn năm nào cũng có những cuộc đua ghe, mấy đội ghe trong xã tập hợp thi tài vào mỗi dịp đầu năm hoặc trong ngày 16-3 âm lịch.

Trong mỗi cuộc đua, nếu ghe đội nào thua hoặc lật là xui lắm, coi như cả năm đó làm ăn thất bát. Cũng bởi thế, nên lão ngư Nguyễn Đảng dù còn sức trai tráng hay đã đến độ 70 vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu cho vị trí tay chèo cả (còn gọi là tổng lái). Mỗi lần đến cuộc đua là làng trên xóm dưới, đội nào cũng muốn lão cầm tay chèo cả để chiến thắng.

Anh Nguyễn Văn Xô, con rể lão cũng không giấu vẻ tự hào: “Như tui đây, tạm coi là một trong những trung niên khỏe nhất An Hải, thế mà sức không thắng nổi ổng chứ chưa nói đến đọ tửu lượng”. Chính cuộc sống vô tư, không ưu phiền cùng việc thường xuyên ăn hải sâm, uống rượu bào ngư cho lão một cơ thể chắc như đồng. Khỏe mạnh, vui tính và ăn to nói lớn, nhưng trong mắt mấy người con, lão còn là kẻ hào hoa lẫn…đào hoa. Vợ lão hồi đó đẹp nhất làng.

Hai người yêu nhau lắm, yêu đến độ năm 1995, nghe tin ông bị Malaysia bắt rồi bỏ tù mấy tháng, bà ốm liệt giường rồi sau đó qua đời. Anh Cần kể rằng sau khi vợ qua đời, ba anh trầm tư hẳn mấy tháng. “Ổng đi đâu ai cũng quý, đặc biệt là đàn bà con gái. Già thế nhưng vẫn có người thương, rồi đi lại sinh được mụn con gái. Bà kia đẻ con ra, ổng nhận và chu cấp đàng hoàng”.

Ngồi trò chuyện, một chặp, anh Cần lại khó nhọc thắp hương trên bàn thờ lão, rồi trầm buồn: “Sau cái đận được giải cứu ở Hoàng Sa, anh em tui nói ổng ở nhà đi, có chi đợi đến năm mới rồi đi. Ổng đâu có chịu, ổng chỉ thích đi thôi, biển ngấm vào máu rồi. Ngồi nhà là nhớ, dứt không ra được”. Được giải cứu ở Hoàng Sa chưa được bao lâu, lão lại lên tàu cùng thuyền trưởng Lê Minh Tân trên con tàu định mệnh QNg 66192. Hơn 50 năm ngang dọc trên biển trời Hoàng Sa, biết từng con sóng, thuộc từng vùng biển, bắt được từng cơn gió. Đã bao phen lâm nạn, lão đều biến nguy thành an. Lần này ra khơi hái rong biển, quá khỏe, quá lành so với việc vươn khơi đánh cá. Vậy mà ai ngờ …

Giây phút sung sướng cùng con gái sau khi được giải cứu từ Hoàng Sa
Giây phút sung sướng cùng con gái sau khi được giải cứu từ Hoàng Sa.

Sống trên biển, thác về với biển

Tôi còn nhớ cái ngày theo tàu cảnh sát biển ra Hoàng Sa giải cứu 9 ngư dân trên tàu của sói biển Mai Phụng Lưu. Sau giây phút bồi hồi xúc động, bứt dây neo từ tàu ngư chính, lão Đảng nói xa xăm: “Đã đến lúc tui giải nghệ rồi chú mi ơi. Già quá rồi, làm ăn chi được nữa đây”. Có lẽ, trong giây phút cởi bỏ được sự sợ hãi, giây phút rơi lệ vì thấy cờ Tổ quốc phần phật giữa Hoàng Sa, lão động lòng mà nói thế. Để rồi, chưa đầy 2 tháng sau, lão lại lên đường, và là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời.

Hai đứa con bên mộ gió lão ngư Nguyễn Đảng
Hai đứa con bên mộ gió lão ngư Nguyễn Đảng.

Đêm từ Hoàng Sa trở về, lão không ngủ được, gặp tôi cũng đang trằn trọc, thế là hai người, một già một trẻ ngồi dậy cùng nhâm nhi tới sáng. Lão kể tỉ mỉ, chi tiết đời mình, vào sinh ra tử hàng chục lần trên biển Đông. Những lần lão chỉ huy ngư dân vượt bão, lôi tuột con tàu đang chìm đầu xuống địa ngục biển sâu trở lại với dương gian.

“Cận kề cái chết nhiều lần, vào tù ra khám trên đất khách quê người. Nhưng lần vượt bão cùng tàu thằng Lưu là lần tui ớn lạnh nhất” – lời lão thầm thì. Lần đó, sau khi được phía Trung Quốc thả, qua được ngày đầu tiên, tàu QNg 66478 lao vào tâm bão trong tình trạng tả tơi, chết máy, không dầu, không ICOM, máy dò máy quét.

Trong tích tắc, lão ngư Nguyễn Đảng quyết định xé bạt làm buồm, chỉnh tàu men theo luồng gió, hy vọng quay trở lại với một trong nhiều hòn đảo Hoàng Sa, mà gần nhất là Trụ Cẩu. Và rồi, tính toán của lão như thần, sau 5 ngày đêm đùa giỡn với tử thần, cha con, anh em bạn bè nhường nhau mạng sống, thần chết đã buông tha họ. Đêm đó, lão còn tếu táo: “Có tui đi là thần chết nó sợ à”.

Về tới đất liền, dù sung sướng ôm đứa con gái bé nhỏ giữa vòng vây người, lão vẫn kịp nhắn tôi: Hồi nào rảnh ra Lý Sơn uống rượu. Giờ đây, tôi lại ra Lý Sơn trong ngày đại kỵ trên đảo, nhưng quá trễ để cùng lão nâng chén rượu vú nàng thơm phức. Giữa đảo thiêng ngàn ngạt, mộ gió của lão nghi ngút khói hương. Mộ gió chỉ là để các con lão được gần hơn với cha, được nhang đèn cúng bái. Còn thân xác, linh hồn lão đã hòa tan trong nước biển Hoàng Sa mất rồi…

Lão ngư đã ra đi, nhưng tàu cá Lý Sơn vẫn vươn khơi bám biển Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường
Lão ngư đã ra đi, nhưng tàu cá Lý Sơn vẫn vươn khơi bám biển Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường.

Lý Sơn, cuối tháng 4.2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG