Trong lịch sử giáo dục của Việt Nam những năm gần đây, có thể nói, lứa học sinh 2004 có nhiều đặc biệt. Trong đó, có tới 3 năm học liền phải học trực tuyến. Thậm chí tính tổng thời gian học trực tuyến của lứa học sinh này ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong 3 năm lên đến 10 -13 tháng/26 tháng.
Đến thời điểm hiện tại, một số trường Đại học (ĐH) cũng đã bắt đầu công bố đề án tuyển sinh 2022 dành cho lứa học sinh 2004. Trường ĐH Bách Khoa chính thức công bố chỉ tuyển sinh 10-20% chỉ tiêu thông qua kì thi tốt nghiệp và 60 - 70% chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy.
Đồng thời 7 trường Đại học khác gồm: Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải; Trường ĐH Giao thông vận tải; Trường ĐH Mỏ - Địa chất; Trường ĐH Thăng Long; Trường ĐH Thủy lợi; Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội để tuyển sinh.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa dự kiến, kì thi sẽ diễn ra trong 1 ngày tại 4 điểm ở khu vực miền Bắc gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng), Trường ĐH Vinh (Nghệ An), Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ).
Tại khu vực phía nam, trường ĐH Quốc gia TPHCM cũng tổ chức kì thi đánh giá năng lực từ năm 2018 và năm 2021 có đến 70 trường đại học sử dụng kết quả kì thi này để tuyển sinh.
Thêm vào đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tổ chức kì thi đánh giá năng lực năm 2022 với một số trường ĐH khác cùng sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Như vậy, để vào được các trường ĐH lớn, học sinh 2004 không chỉ cần hoàn thành tốt kì thi tốt nghiệp 2022 mà phải lựa chọn đúng ngôi trường mình mong muốn và có thể phải tham gia một kì thi riêng của ngôi trường đó.
Với những thực tế như trên, năm 2022 sẽ là năm đánh dấu sự thay đổi lớn trong việc tuyển sinh vào các trường ĐH.
Phụ huynh và học sinh phải làm gì?
Từ phân tích trên có thể thấy, những thí sinh năm tới có mục tiêu vào các trường ĐH lớn đang phải đối mặt là rất khó khăn, việc chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp cũng không đơn giản với tình trạng dịch bệnh phức tạp vừa qua và các trường ĐH lại ngày một ít sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Rất có thể điểm xét tuyển từ kết quả tốt nghiệp THPT sẽ rất cao vì chỉ tiêu tuyển sinh thông qua phương thức này không lớn.
Học kỳ I đã kết thúc, bên cạnh việc tập trung học tập đảm bảo khối lượng kiến thức cho kì thi tốt nghiệp, ngay lập tức cần lựa chọn ngành nghề mong muốn từ đó lựa chọn trường ĐH để có bước đi ôn tập phù hợp. Những khoảng thời gian trước đây với việc học tập trực tuyến có thể có lỗ hổng kiến thức, học sinh cần có phương án để được bù đắp kịp thời.
Theo công bố của ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ có 2 lần thi thử trực tuyến, như vậy học sinh sẽ có cơ hội cọ sát và nắm được cấu trúc của đề thi. Phía ĐH Quốc Gia Hà Nội cũng cho biết, 1 năm có thể có 4 kì tuyển sinh thông qua kì thi đánh giá năng lực, học sinh có thể thi nhiều lần và được chọn kết quả tốt nhất để tuyển sinh. Kì thi của ĐH Quốc gia TPHCM cũng được tổ chức ít nhất 2 lần như trong năm 2021.
Như vậy, với các kì thi của các trường, học sinh vẫn còn thời gian và cơ hội để nghiên cứu, nắm bắt và bám sát thông tin của các trường để nhận được tư vấn cần thiết nhất về phương án ôn tập, hình thức đề thi, cách giải quyết các vấn đề của các dạng bài đặc thù trong đề thi. Hầu hết các trường ĐH hiện nay đều sẽ tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến để chia sẻ và giải đáp đề án tuyển sinh của nhà trường. Ngoài ra, các cổng tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH cũng sẽ có các đầu mối giải đáp trực tuyến cho thí sinh.
Đối với phụ huynh, cần thống nhất phương án chọn ngành - nghề - trường phù hợp với con để có các bước đi phù hợp trong ôn tập và chuẩn bị. Phụ huynh cũng cần phối hợp với các con về lịch trình các công việc và mốc của những thời điểm quan trọng, các kênh thông tin chính thống và những thời điểm công bố các mốc thời gian: thi thử, giải đáp trực tuyến, tư vấn ôn tập...của các trường. Bên cạnh đó là việc chuẩn bị cho các sĩ tử một kế hoạch dinh dưỡng và học tập phù hợp để đảm bảo việc tiếp thu và sự tự nghiên cứu, tự học của thí sinh được tốt nhất trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp.