Tang quyến bức xúc vì xe chở thi hài bị chặn
Theo phản ánh của người dân tới Tiền Phong, khoảng 7 giờ sáng 10/5, một đám tang với rất đông thân nhân, gia quyến đi theo tiễn đưa bị chặn lại ở tại cổng Công viên Nghĩa trang Thanh Bình (trực thuộc Công ty CP Dịch vụ tang lễ Hoàng Long, trụ sở tại Quốc lộ 21, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) với lý do xe chở quan tài chưa đăng kiểm, chưa ký hợp đồng với công ty.
Việc bảo vệ Công viên nghĩa trang Thanh Bình kiên quyết không cho xe chở thi hài người quá cố vào làm thủ tục hoả táng với lý do nêu trên đã gây ra bức xúc cho những người có mặt tại hiện trường.
Phải gần 2 giờ đồng hồ sau, khi sự bức xúc của thân nhân người quá cố đã lên đến cực điểm thì bảo vệ mới mở cổng, cho xe đi vào đài hoá thân để làm thủ tục hoả táng.
Có mặt tại đây, PV Tiền Phong được một thân nhân của người quá cố là ông N.V.T cho biết: “Đám tang nhà tôi ở tận huyện Trực Ninh, nhà đài bảo là xe chở thi hài không đăng kiểm, việc hoả táng chưa làm hợp đồng với văn phòng của công ty ở dưới huyện nên không được hoả táng. Họ bắt chúng tôi phải đăng ký hoả táng tại đây nhưng hơn 1 tiếng sau mới mở cửa cho vào”.
“Nguyên nhân thực sự không phải là do đăng kiểm xe hay do chưa đăng ký mà do nhà đài hoá thân yêu cầu các cơ sở phải dùng xe chở thi hài của họ, chủ cơ sở tang lễ của chúng tôi không chấp nhận nên họ không cho vào. Từ sáng tới giờ, tôi thấy rất nhiều xe chở thi hài từ các tỉnh khác đến có bị ai hỏi đăng kiểm, đăng ký, chất lượng xe ra sao đâu, đến là được vào..." - ông T. bức xúc.
Vẫn theo ông T, xe tang chở người quá cố của gia đình ông đã bị công an lập biên bản tạm giữ ngay trong sáng 10/5 và gia đình phải thuê xe của công ty Hoàng Long để đi về.
Hàng loạt chủ cơ sở tang lễ tố bị chèn ép
Cũng từ sáng sớm ngày 10/5, sau khi nghe tin về vụ việc trên, rất nhiều chủ dịch vụ tang lễ ở các huyện, thành phố thuộc tỉnh Nam Định đã có mặt ở khu vực cổng Công viên Nghĩa trang Thanh Bình (trụ sở tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) để tìm gặp lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ tang lễ Hoàng Long.
Tuy nhiên, bảo vệ đã từ chối, cho biết Chủ tịch Công ty là ông Trần Đình Giao và lãnh đạo công ty không tiếp khách.
Phản ánh với Tiền Phong, các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ cho biết, lý do họ có mặt tại đây là để phản đối việc công ty có hành vi ép các cơ sở dịch vụ tang lễ phải dùng quan tài, xe tang của công ty với giá đắt, nếu không sẽ gây khó dễ, đóng cổng không cho nhà đám vào hoả táng tại đài này.
Cụ thể, từ đầu năm 2021, cùng với nâng giá mỗi ca hoả táng từ 4.300.000 đồng lên 4.500.000 đồng, công ty Hoàng Long đã mua 10 xe chở thi hài và phân bổ về mỗi huyện, thành phố 2 xe.
Các văn phòng của Công ty Hoàng Long yêu cầu các ca hoả táng trên toàn tỉnh Nam Định phải mua quan tài và dùng xe tang của công ty Hoàng Long với mức giá quan tài là 1.500.000 đồng và giá xe áp dụng cho 2 huyện gần Mỹ Lộc, Vụ Bản và thành phố Nam Định là 1.500.000 đồng/ca, 7 huyện còn lại là 2.000.000 đồng/ca.
“Việc phải mua quan tài họ áp dụng từ đầu năm, còn việc phải dùng xe dịch vụ của công ty Hoàng Long thì vừa được đưa vào áp dụng nên hôm nay mới có chuyện đóng cổng, chặn xe chứ trước đây có đám nào làm sao đâu”, một chủ cơ sở dịch vụ tang lễ ở huyện Giao Thuỷ cho biết.
Cũng theo chủ cơ sở dịch vụ tang lễ này, mức giá quan tài và dịch vụ xe mà công ty Hoàng Long áp dụng cao hơn vài trăm nghìn so với giá các cơ sở dịch vụ đang làm trực tiếp với người dân.
“Họ làm như vậy thì người dân chịu phần tăng, chúng tôi làm dịch vụ ở cơ sở thì mất phần lợi nhuận. Nhưng không nghe theo thì họ gây khó dễ, không cho hoả táng ở Nam Định” - anh N.V.T, một chủ cơ sở tang lễ ở thành phố Nam Định nói.
Để làm rõ các vấn đề, PV đã liên hệ với ông Trần Đình Giao, Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ tang lễ Hoàng Long. Qua điện thoại, ông Giao xác nhận có biết sự việc và chính ông chỉ đạo không cho xe vào đài để làm thủ tục hoả táng.
“Đài phải làm theo luật, phải có hợp đồng với văn phòng của đài do công ty mở ở huyện trước thì mới cho xe vào để hoả táng. Nếu gia đình muốn hoả táng mà không qua văn phòng thì phải làm hợp đồng ở đây, huỷ dịch vụ của cơ sở tang lễ kia đi. Những xe hết niên hạn, không an toàn thì phải lập tức thu luôn, xe hết hạn đăng kiểm là không được vào cổng”.
Trước phản ánh chèn ép, gây khó dễ để buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ phải mua quan tài, ký hợp đồng thuê xe của Công ty Hoàng Long, ông Trần Định Giao phủ nhận toàn bộ, khẳng định không có việc ép dịch vụ hay gây khó dễ.
Tuy nhiên, qua các tài liệu là file ghi âm, ghi hình mà các chủ cơ sở tang lễ tại Nam Định đã cung cấp cho PV cho thấy nội dung thể hiện, nếu không dùng xe và quan tài của công ty thì sẽ không được vào cổng.
“Nếu xe ngoài, không phải của công ty sẽ không được vào công ty. Nếu ở Nam Định có 2 đài hoả táng thì các anh mới được chọn, còn các anh chở đi Hải Phòng, Hà Nội thì bọn em không cấm, nếu không thì phải đi dùng xe của công ty. Bọn em phải tối ưu hoá lợi nhuận của bọn em thôi” - trích đoạn trao đổi giữa một chủ cơ sở dịch vụ tang lễ và người được cho là nhân viên kinh doanh công ty Hoàng Long.
Cùng với việc phản ánh với PV, các chủ cơ sở tang lễ cho biết đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để tố cáo về các hành vi nói trên.
Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.