Số liệu trên được lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) đưa ra tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022. Theo lãnh đạo Vụ quản lý ngoại hối, năm 2019, nguồn kiều hối về Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng từ năm ngoái đến năm nay vẫn tăng trưởng. Đây là nguồn cung quan trọng để ổn định thị trường ngoại hối và dự trữ ngoại hối.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, kiều hối chủ yếu chảy qua các tổ chức tín dụng, còn lại chảy qua công ty kiều hối (28%) và bưu điện (2%).
"Một năm khó khăn nhưng bà con kiều bào vẫn hướng về tổ quốc rất nhiều. Đây là nguồn ngoại tệ rất quan trọng trong điều kiện chúng ta còn khó khăn, cần nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển đất nước", ông Tú nói.
Số liệu cập nhật tháng 11 từ Ngân hàng Thế giới |
Số liệu mới nhất từ NHNN chênh lệch đáng kể so với ước tính trước đó của Ngân hàng Thế giới (WB). Con số này thấp hơn gần 5 tỷ USD với mức 18 tỷ USD do WB và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD ước tính.
Theo đại diện của Vụ quản lý ngoại hối, con số do WB đưa ra chỉ là ước tính và luôn có sự chênh lệch với số liệu thống kê chính thức từ NHNN. Mức 12,5 tỷ USD do NHNN thống kê qua các đơn chuyển tiền có thông tin tên, tuổi, số tiền... qua tổ chức tín dụng, công ty kiều hối và bưu điện.
Số liệu từ NHNN được coi là con số chính thống, được sử dụng trong các báo cáo, đánh giá. NHNN có trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ thống kê số liệu này.
Trước đó, theo dự báo trước đó của WB, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới.