Năm 2020, hàng triệu thanh niên Việt Nam có thể ế vợ

Năm 2020, hàng triệu thanh niên Việt Nam có thể ế vợ
Đến năm 2020, số lượng nam dự đoán nhiều hơn nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến hàng triệu nam giới có thể không lấy được vợ, tạo ra nhiều vấn đề xã hội.

> Cả triệu đàn ông Việt Nam sẽ ế vợ 

Nguy cơ về hàng loạt vấn đề xã hội phát sinh từ sự mất cân bằng giới tính khi sinh và cấu trúc dân số không hợp lý một lần nữa được cảnh báo tại cuộc hội thảo quốc tế diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 5 và 6 - 10. Hội thảo “Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai” do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức, với sự tham dự của các phái đoàn đến từ 11 quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sau 50 năm thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mức sinh và tỷ lệ tăng dân số đã giảm mạnh, tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được cải thiện rõ rệt.

Kể từ năm 1979 đến năm 1989, tỷ lệ tăng dân số trung bình là 2,1%, từ năm 1989 đến năm 1999 tỷ lệ này là 1,7%, từ năm 1999 đến năm 2009 là 1,2%, năm ngoái tỷ lệ tăng dân số là 1,05%. Số con trung bình trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là hai con.

Kết quả này khẳng định sự đúng đắn của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho hay, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn như: có sự chênh lệch lớn về mức sinh giữa các tỉnh và các vùng, miền; đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng ngày càng gia tăng.

Năm 1979, tỷ số giới tính khi sinh là 105 bé trai trên 100 bé gái thì năm 1989 là 106, 1999 là 107, năm 2009 là 110,5 và năm 2010 là 111.

Do vậy, theo dự báo dân số, nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn thì tỷ lệ mất cân bằng này sẽ tăng lên 113 bé trai/100 bé gái năm 2015 và đạt tới 115 năm 2020.

Chính phủ Việt Nam hết sức quan ngại về những cảnh báo này vì như vậy, đến năm 2020, số lượng nam nhiều hơn nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến hàng triệu nam giới có thể không lấy được vợ, tạo ra nhiều vấn đề xã hội.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam không thể thu hút phụ nữ từ các quốc gia khác vì chính các quốc gia này cũng đang gặp phải các vấn đề tương tự.

Phó thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Bộ Y tế và Liên hợp quốc trong việc tổ chức hội thảo này và hy vọng rằng sự trao đổi đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn sẽ giúp Việt Nam định hướng lại chính sách về phát triển gia đình và xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả hơn để mang lại tỷ số giới tính bình thường giúp cho con người Việt Nam hạnh phúc và quốc gia an toàn, bền vững.

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh nằm trong khoảng 104-106 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, tỷ số này đã gia tăng nhanh chóng trong 25 năm qua tại một số quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện nay, toàn châu Á đang thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với tình trạng này, song thực tế cho thấy thách thức này rất lớn khi tỷ số giới tính khi sinh ngày càng gia tăng.

Với Việt Nam, hệ lụy của tình trạng nam nhiều hơn nữ còn có thể là gia tăng áp lực buộc phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, nhu cầu mua bán tình dục cũng có thể ngày càng tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn.

Theo Thùy Giang
Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG