Năm 2017 và những quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Trump

Ảnh: The Nation
Ảnh: The Nation
TPO - Trong năm đầu tiên với cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một loạt các quyết định gây nhiều tranh cãi trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại. 

Đằng sau các quyết định này là cả một loạt các tính toán của Mỹ, đồng thời phản ánh rõ nét chiến lược xuyên suốt mà ông Trump theo đuổi bấy lâu nay đó là “Nước Mỹ trên hết”. 

Công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel

Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Trump chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, đồng thời đồng thời tuyên bố kế hoạch rời sứ quán Mỹ tới đây.

Trong bài diễn văn tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố: “Tôi xác định rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”. “Các đời tổng thống trước đưa ra lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhưng không thực hiện. Hôm nay, tôi biến điều này thành hiện thực”, ông cho biết thêm.

Ông cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ "bắt đầu việc chuẩn bị để chuyển sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem". Tổng thống Trump giải thích với các phóng viên rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của Mỹ và nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine.

Theo Tổng thống Trump, kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995 tới nay, các chính quyền tiền nhiệm đã trì hoãn việc thực thi đạo luật này vì quan ngại sẽ gây phương hại cho nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình tại khu vực Trung Đông.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, hiện thực hóa lời cam kết với các cử tri ủng hộ và đánh lạc hướng cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử là những nguyên nhân cốt lõi thôi thúc Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định lịch sử công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ngoài ra, quyết định của ông Trump được cho là sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường và khiến khu vực Trung Đông rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng toàn diện.

Ngay sau quyết định của Mỹ, tất cả các nước châu Âu đồng loạt lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Đặc biệt, ngày 21/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp đặc biệt bất thường để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kết quả, nghị quyết đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng. 

Theo các chuyên gia phân tích, đây là là kết cục “thảm bại” đối với các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh nhập cư

Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ký sắc lệnh nhập cư lần thứ nhất. Theo sắc lệnh này, người tị nạn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ 7 quốc gia Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày.

Lệnh này cũng áp dụng với cả những người đã có thị thực hợp lệ và thậm chí có hiệu lực đối với cả những công dân có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị chặn đứng bởi các tòa án của Mỹ.

Rút kinh nghiệm thất bại trước đó, ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ký sắc lệnh nhập cư lần thứ 2. Sắc lệnh này có những điều chỉnh nhất định, cụ thể là không áp đặt những hạn chế nhập cư đối với Iraq, và công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh lần 1. Tuy nhiên, cũng như sắc lệnh lần 1, sắc lệnh lần 2 đã bị các thẩm phán và tòa án các bang của Mỹ phản đối kịch liệt.

Tiếp đó đến tháng 9/2017, chính quyền Tổng thống Trump ký ban hành sắc lệnh cấm nhập cư phiên bản 3.0, bổ sung Venezuela và Triều Tiên vào danh sách đen.

Ngày 5/12, với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép chính phủ triển khai toàn diện lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 6 nước có đa số dân là tín đồ Hồi giáo trong thời gian chờ các phán quyết liên quan khác của các tòa án cấp thấp hơn. 

So với sắc lệnh phiên bản 1.0 và 2.0, sắc lệnh cấm nhập cư được mệnh danh là phiên bản 3.0 mới được Tòa án tối cao Mỹ thông qua không phải là sự cho phép chấp hành lệnh cấm một phần, mà yêu cầu phải chấp hành lệnh cấm toàn diện.

Trong đó sắc lệnh 3.0 đã đưa ra những quy định cụ thể với những quốc gia khác nhau sẽ có những sự hạn chế không giống nhau.

Theo các chuyên gia phân tích, sắc lệnh cấm nhập cảnh 3.0 nhằm mục đích bảo vệ nước Mỹ trước các mối đe dọa khủng bố từ các phiến quân Hồi giáo trong bối cảnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đẩy mạnh các hoạt động khủng bố nhằm trả thù việc chúng bị mất dần các thành trì tại Vương quốc IS.

Sắc lệnh cấm nhập cư mới vừa được Tòa án tối cao Mỹ thông qua là thắng lợi về mặt chính trị đối của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, điều này được dự báo sẽ khơi mào cho một cuộc chiến pháp lý gay gắt trong lòng nước Mỹ.

Bãi bỏ Chương trình DACA

Bất chấp những lời kêu gọi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Trump ngày 5/9 đã quyết định bãi bỏ "Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ" (DACA), với cáo buộc chương trình này vi hiến.

Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama, theo đó trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những người đến Mỹ bất hợp pháp khi họ dưới 16 tuổi.

Chương trình này cũng cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi tính đến ngày 15/6/2012 có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất trong 2 năm, được tạo cơ hội làm việc và có thể gia hạn, với điều kiện đến Mỹ trước 16 tuổi, cư trú liên tục trên đất Mỹ, phải hoàn thành bậc học trung học và không có tiền án, tiền sự.

Trong 5 năm qua, khoảng 800.000 người đến Mỹ khi tuổi đời dưới 16 đã tham gia chương trình này. Ngoài ra, ước tính còn một số lượng tương đương những người nhập cư trẻ tuổi không đăng ký với chính quyền.

Khi thông báo bãi bỏ DACA, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã gọi chương trình này là vi hiến, khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh Chính phủ Mỹ sẽ hành động rất mạnh tay để xóa bỏ chương trình này.

Như vậy là, một lần nữa, Tổng thống Trump lại có một quyết định gây tranh cãi khi bãi bỏ Chương trình DACA.

Hàng loạt đơn kiện, nhiều cuộc biểu tình phản đối bùng phát và lan rộng không chỉ ở Mỹ mà cả ở nhiều nước trong khu vực. Quyết định này đã đẩy hàng trăm nghìn người đứng trước nguy cơ chính thức bị coi là nhập cư bất hợp pháp và đối mặt với lệnh trục xuất. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định của ông Trump chấm dứt DACA không chỉ sai lầm mà còn "độc ác", làm tiêu tan “giấc mơ Mỹ” của những người trẻ tuổi.

Kể từ khi tiếp quản chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, nhìn chung, các sắc lệnh về nhập cư của tỷ phú Donald Trump thường gây tranh cãi. Quyết định bãi bỏ DACA thực sự là bước đi “mất lòng dân”, khiến chính giới bất bình và châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối trên đường phố, cho thấy nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump đang ngày càng bị chia rẽ.

Rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định TPP. Trong buổi lễ ký rút khỏi TPP ở Phòng Bầu dục, ông Trump nói sắc lệnh này là "điều tuyệt vời cho công nhân Mỹ".

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước  gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam ngày 4/02/2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại, và mức độ cam kết rất cao. Đặc biệt, TPP, có quy mô tới 40% GDP toàn cầu, từng là trụ cột căn bản của chính sách "Tái cân bằng", chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Theo các chuyên gia phân tích, việc rút khỏi TPP không gây ảnh hưởng ngay tức khắc tới kinh tế Mỹ nhưng sẽ gửi thông điệp rất khác về chính sách thương mại mới của Washington.

Việc Washington rút khỏi TPP sẽ là cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, từng coi hiệp định này là bản lề cho một trật tự thương mại mới sau khi các định chế như WTO tỏ ra bế tắc sau nhiều vòng đàm phán. 

Rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc

Ngày 12/10, Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) bắt đầu từ năm 2019. 

UNESCO có trụ sở tại Paris (Pháp) và bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Tổ chức này hiện có khoảng 2.000 nhân viên. Mỹ cũng từng rút khỏi UNESCO dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1984 và quay trở lại tổ chức này dưới thời ông George W Bush.

Hiện Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD/năm, tương đương 20% ngân sách hàng năm của UNESCO. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì nguồn tài trợ này và sẽ vẫn là thành viên chính thức của UNESCO đến hết ngày 31/12/2018.

Từ năm 2019, Mỹ dù không còn là thành viên nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò là quan sát viên để đóng góp quan điểm và chuyên môn cho UNESCO.

Theo bà Heather Nauert, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ: “Quyết định này không thể bị xem nhẹ. Nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ về những công việc chồng chất tại UNESCO, về sự cần thiết phải cải cách căn bản tổ chức này và về việc tổ chức này duy trì thành kiến chống lại Israel”.

Trong khi đó, dư luận quốc tế cho rằng,  Mỹ rút khỏi UNESCO là cú sốc lớn đối với tổ chức này. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho rằng sự rút đi của Mỹ là một "tổn thất đối với Mỹ", "tổn thất đối với gia đình Liên hợp quốc" và "tổn thất đối với sự hợp tác đa phương".

Dọa rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/8 đã gửi một thông báo chính thức lên Liên Hiệp Quốc thông báo về ý định rút khỏi Hiệp định Paris. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thông báo này là một "thông điệp mạnh mẽ" gửi tới thế giới, sau quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris được Tổng thống Donald Trump đưa ra hồi tháng 6.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn để ngỏ khả năng gia nhập trở lại nếu các điều khoản của thỏa thuận này được thay đổi theo mong muốn của Mỹ. Theo Bộ ngoại giao Mỹ, nước này vẫn sẽ tham dự các Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc trong thời gian tiến hành các thủ tục rút khỏi thỏa thuận Paris. Thời gian dự kiến của việc rút khỏi này sẽ kéo dài ít nhất 3 năm.

Trước đó trong bài phát biểu tại Nhà Trằng hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Trump giải thích cho quyết định rút Mỹ hỏi Hiệp định Paris: "Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia và đặt Mỹ vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới".

Mỹ, quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai sau Trung Quốc, là một trong số 195 nước tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Barack Obama đã ký phê chuẩn hiệp định vào tháng 9/2016.

Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/8 cho biết, sẽ sớm khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada).

Theo Tổng thống Trump, Mexico hiện đang gặp khó trong các cuộc đàm phán về việc điều chỉnh lại NAFTA - một trong những thỏa thuận thương mại "tồi tệ nhất" được ký kết cho đến nay. Theo ông, cần phải khởi động tiến trình dỡ bỏ thỏa thuận này trước khi có thể đạt được một thỏa thuận công bằng. 

Trước đó, ngày 22/8, Tổng thống Trump đã ám chỉ khả năng hủy bỏ NAFTA khi tuyên bố rằng để tạo dựng thỏa thuận mới cần hủy bỏ thỏa thuận cũ. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh 3 nước Mỹ, Mexico và Canada vừa kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về NAFTA tại Mỹ từ ngày 16 - 20/8.

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tuy nhiên, Tổng thống Trump mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. 

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 và kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Tehran.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: "Như tôi đã nói rất nhiều lần, thỏa thuận Iran là một trong những hiệp định tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Mỹ từng tham gia".

“Trong trường hợp chúng ta không đạt được giải pháp khi làm việc với Quốc hội và các đồng minh, thỏa thuận sẽ bị hủy. Thỏa thuận tiếp tục được cân nhắc và tôi, với tư cách tổng thống, có thể tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này bất cứ lúc nào”, ông Trump tuyên bố.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc trên thế giới không nằm trong lợi ích của Mỹ, do vậy, Nhà Trắng sẽ ra thông báo về việc rút khỏi thỏa thuận này.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào tháng 7/2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ trong các cuộc hội đàm do Liên minh châu Âu điều phối nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt nước này đã được nới lỏng.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.