Một ngày cuối năm 2013, Tiền Phong đã trò chuyện với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn xung quanh câu chuyện này.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nỗ lực thu đến thời khắc cuối cùng
Tháng 6/2013, chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, Bộ trưởng đã phải đưa ra cảnh báo không hề mong muốn: NSNN có thể hụt thu tới 60.000 tỷ đồng. Nhìn lại năm 2013 với nhiều khó khăn, Bộ trưởng muốn chia sẻ điều gì?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
“Năm 2014 không mua xe công, trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật”-
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Những tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết hợp với việc thực hiện các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh đã khiến tiến độ thu ngân sách ở cả lĩnh vực thu nội địa và thu xuất nhập khẩu đều đạt rất thấp so với yêu cầu dự toán. Nếu không có giải pháp quyết liệt thì khả năng thu ngân sách năm 2013 sẽ hụt lớn, ảnh hưởng đến cân đối NSNN và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ để đánh giá đúng tình hình đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh, tăng cường đôn đốc quản lý thu ngân sách. Đó là tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra thuế, chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại; đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế; chấn chỉnh công tác hoàn thuế; phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm...
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ trình và được Quốc hội cho phép thu vào NSNN một số khoản thu đặc thù, như: thu từ quỹ viễn thông công ích; thu từ cổ tức DNNN và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ... Tôi đã chỉ đạo toàn ngành quyết tâm phấn đấu đến ngày cuối cùng, giờ cuối cùng trong năm và tin tưởng có thể hoàn thành vượt mức số đánh giá thu NSNN năm 2013 đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.
Những thách thức của năm 2014 vẫn còn ở phía trước. Vậy theo Bộ trưởng chúng ta cần có những giải pháp gì mạnh mẽ hơn để nuôi dưỡng nguồn thu?
Dự báo kinh tế năm 2014 vẫn còn rất khó khăn, nhất là về sức cạnh tranh và thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng tiếp cận vốn của DN,… Vì vậy, các giải pháp cũng cần hướng vào những vấn đề này. Thực tế đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, trong đó có các giải pháp tài chính nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với cả thị trường trong nước và quốc tế để tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh tái cấu trúc DN mà trọng tâm là các đầu tàu kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty và DNNN.
Qua đó có tác động lan tỏa đối với cộng đồng DN để nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời cần có giải pháp để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Đối với chính sách thuế, 2014 là năm bắt đầu triển khai thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập DN (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Trong đó, đáng chú ý là Luật thuế TNDN đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho DN, thu hút và khuyến khích đầu tư như: điều chỉnh giảm mức thuế suất xuống còn 22%, kể từ 1/1/2016 là 20%.. Đối với Luật thuế GTGT việc bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ là giải pháp quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, qua đó giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế.
Như vậy, có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung hai Luật thuế nêu trên đã bao hàm nhiều giải pháp từ năm 2014 trở đi nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế...
Bội chi, thâm hụt NSNN luôn là nỗi lo. Bài toán siết chặt chi tiêu, bảo đảm ổn định nền tài chính quốc gia sẽ được giải ra sao trong năm tới, thưa Bộ trưởng?
Trong năm 2014, Bộ Tài chính sẽ chú trọng triệt để tiết kiệm chi, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết, điều hành bội chi NSNN năm 2014 trong phạm vi Quốc hội quyết định. Tăng cường quản lý chi NSNN, hạn chế thấp nhất số chi chuyển nguồn sang năm 2015; điều hành chi trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, đúng chế độ quy định; lồng ghép các chính sách từ khâu phân bổ dự toán đến khâu tổ chức thực hiện.
Kiên quyết cắt giảm, lùi thời hạn thực hiện đối với các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi: mua sắm trang thiết bị, tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, đi công tác trong và ngoài nước, các chi phí khác...; không mua xe công, trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng cần quản lý nợ công đảm bảo đúng cam kết trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia...
Cảm ơn Bộ trưởng!
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Chú trọng nơi dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Thu ngân sách đã khó nhưng tiêu cho hiệu quả còn khó hơn. Ví như tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản vốn NSNN ở mức báo động tại một số địa phương. Trong năm 2014, Kiểm toán Nhà nước(KTNN) sẽ quan tâm lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn
Các khoản chi tiêu công và đặc biệt là chi đầu tư xây dựng (ĐTXD) luôn là mối quan tâm hàng đầu, là nội dung kiểm toán quan trọng của KTNN trong kế hoạch kiểm toán hàng năm. Kết quả kiểm toán sẽ làm rõ hơn các vấn đề nêu trên.
“Hiến pháp sửa đổi quy định KTNN hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định đã nâng cao hơn nữa vai trò, địa vị pháp lý của KTNN, khẳng định KTNN là thiết chế độc lập. Trong hoạt động kiểm toán, tính độc lập là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực, hiệu quả”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn
Chỉ tính trong 3 năm (2010- 2012) KTNN đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai chế độ 664,8 tỷ đồng. Riêng về nợ đọng trong ĐTXD, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 thực hiện vào đầu năm 2013, số nợ giá trị khối lượng đầu tư đã thực hiện của 63 địa phương đến 31/12/2011 là 91.273 tỷ đồng.
Năm 2014, khi xây dựng kế hoạch chúng tôi đã tăng cường kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, tập trung kiểm toán công tác quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí, học phí, viện phí, thu dịch vụ và liên doanh, liên kết tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông đang được dư luận xã hội quan tâm.... Chúng tôi cũng tập trung kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản...
Năm 2014 Quốc hội yêu cầu KTNN phải tập trung vào các địa chỉ dễ phát sinh tham nhũng, nội dung này sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?
Thực tế hoạt động của ngành, KTNN luôn quan tâm đến việc phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, chú trọng đến công tác chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngay trong kết quả kiểm toán năm 2013, đến thời điểm hiện tại KTNN đã chuyển 3 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, 1 hồ sơ sang Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, KTNN cũng đã phối hợp cung cấp nhiều hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan điều tra, phục vụ cho công tác điều tra các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các nội dung kiểm toán năm 2014 cho thấy, KTNN đã chú trọng vào những lĩnh vực sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước lớn dễ xảy ra thất thoát như lĩnh vực ĐTXD và lĩnh vực dễ phát sinh các hành vi tham nhũng như lĩnh vực DNNN. Dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2014 của KTNN đã lựa chọn kiểm toán 37 dự án đầu tư, một số chuyên đề kiểm toán có liên quan đến đầu tư xây dựng và 42 DN, ngân hàng thương mại nhà nước...
Cảm ơn ông!