Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc

Tàu hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
Tàu hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
TP - Ngày 22/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc, sau khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Reuters đưa tin.

Về những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á tại Philippines, Phát ngôn viên Nhà Trắng Patrick Ventrell tuyên bố: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải cũng như trên vùng trời tại biển Đông. Mỹ ủng hộ việc sử dụng ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác để quản lý và giải quyết những bất đồng, trong đó có việc tận dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác”.

“Hình thức xâm lược mới”

Theo Voice of America, trong 3 tháng gần đây, Mỹ đã 2 lần yêu cầu chính quyền Đài Loan làm rõ ý nghĩa của đường 11 đoạn (thường được gọi là đường lưỡi bò) mà Đài Loan vẽ ra năm 1947, hiện được Trung Quốc sử dụng làm cơ sở để khẳng định yêu sách chủ quyền ở biển Đông (Trung Quốc bỏ bớt 2 đoạn).

Thông tin trên được tiết lộ tại một cuộc hội thảo ở Hong Kong về vấn đề biển Đông hôm 19/5. Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu của Washington đối với Đài Bắc có mục đích làm suy yếu lập trường của Bắc Kinh đối với đường 9 đoạn mà họ dùng từ năm 1949 để yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ biển Đông.

Chính quyền Đài Loan chưa bày tỏ thái độ, nhưng nhiều học giả Đài Loan cho rằng, không thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ do lo ngại việc làm rõ ý nghĩa của đường lưỡi bò sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nguy hiểm. Từ khi công bố đường lưỡi bò tới nay, Đài Loan và Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ ý nghĩa của ranh giới đó là gì, cũng không thể đưa ra cơ sở của yêu sách đó. Không chỉ các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông phản bác đường 9 đoạn, mà Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới đều không ngừng yêu cầu Trung Quốc làm rõ cơ sở và ý nghĩa của đường lưỡi bò mà chính các chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan cũng không thống nhất ý kiến với nhau.


Báo Mỹ
Wall Street Journal vừa đăng bài phân tích của chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cảnh báo, cuộc đối đầu sôi sục sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một chiến thuật mới trong sự hung hăng của Bắc Kinh ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc không chỉ nhắm đến việc kiểm soát các vùng biển tranh chấp, mà còn tìm cách khẳng định yêu sách lãnh thổ và quyền xác định biên giới. Nó giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu chiến lược thông qua những hành động phi quân sự. Nếu Bắc Kinh bắt nạt được Việt Nam, nó sẽ trở thành khuôn mẫu cho sự xâm lược các vùng biển tranh chấp trong tương lai.

Theo Wall Street Journal, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại WEF vừa qua cho thấy, Việt Nam sẵn sàng sát cánh cùng Philippines đối phó sự hung hăng của Trung Quốc.

Hãng tin Mỹ AP ngày 23/5 dẫn lời Tư lệnh quân đội Mỹ khu vực Thái Bình Dương Samuel Locklear cảnh báo nguy cơ tính toán sai lầm trong sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan xuống biển Đông có thể dẫn đến xung đột diện rộng và yêu cầu các bên kiềm chế.

Nhật Bản, Singapore quan ngại tình hình biển Đông

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, bên lề Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 tại Nhật Bản từ 22 đến 23/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và Singapore đã sớm lên tiếng ủng hộ lập trường chính đáng và hợp pháp của Việt Nam trước việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời kêu gọi hai nước cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản và Singapore bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên biển Đông, khẳng định quan điểm phải tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế không để xảy ra xung đột ảnh hưởng tới hòa bình ổn định khu vực, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông.

Bình Giang

MỚI - NÓNG