Mỹ, Trung tranh giành 'miếng bánh' Bắc Cực

Washington và Bắc Kinh đang có cuộc cạnh tranh ngầm để giành ảnh hưởng tại Bắc Cực, khu vực rộng lớn có lợi ích địa chính trị ngày một quan trọng.

Đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 5 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động ở biển Bering ngoài khơi bang Alaska của Mỹ. Theo Wall Street Journal, đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tiến hành hoạt động ở khu vực này. Đáng chú ý, sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama đang công tác ở bang này để dự một cuộc họp về biến đổi khí hậu.

Bắc Cực trở thành khu vực cạnh tranh mới giữa các cường quốc. Ảnh: Economist.

Tiến sĩ Damien Degeorges (Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp, IFRI), trong bài viết trên website của IFRI, cho rằng động thái của hải quân Trung Quốc đã “chính thức hóa” sự cạnh tranh ngầm giữa hai cường quốc đang diễn ra ở vùng cực này. Tuy nhiên, tình hình về bề mặt vẫn yên ả, chủ yếu diễn ra ở “sân sau” của Mỹ. Việc tàu Trung Quốc đến biển Bering mang nhiều ý nghĩa nhưng cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Iceland là phép thử mới của đối đầu Mỹ - Trung


Với vị trí nằm ở trung tâm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa 2 cường quốc, Greenland và Iceland những năm gần đây trở thành vũ đài cho sự cạnh tranh ngày càng rõ nét giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi xem xét các lợi ích địa chính trị ở Bắc Cực, Greenland và Iceland không thể bị đặt ra ngoài tình hình toàn cảnh.

Những diễn biến dễ quan sát nhất đang xảy ra ở Iceland. Một nguyên nhân điển hình do Iceland là nhà nước có chủ quyền, không như Greenland, nên một quốc gia khác cũng dễ dàng thể hiện sự ảnh hưởng. Tại Iceland, Trung Quốc không chỉ đặt đại sứ quán với quy mô lớn hơn bất kỳ tòa nhà nào ở thủ đô Reykjavik, mà họ còn một tòa nhà khác chuyên phục vụ những vấn đề kinh tế và thương mại. Trong khi đó, Mỹ có kế hoạch xây một toà đại sứ ở Iceland sẽ hoành tráng hơn cả cơ ngơi của Trung Quốc. Những biểu hiện nhìn thấy rõ cũng là chỉ dấu về một cuộc đua ngầm giữa hai bên.

Nguồn tài nguyên và tuyến đường thủy phơi bày khi băng tan ở Bắc Cực dấy lên cuộc cạnh tranh giữa các nước. Ảnh: NYT.

Theo một nhà quan sát ở Iceland, ngân hàng, cảng biển và sáp nhập đất đai sẽ là 3 lĩnh vực chính mà Mỹ tận dụng như “lằn ranh đỏ” để đối phó với tham vọng của Trung Quốc ở Iceland. Iceland vốn là quốc gia thành viên NATO nhưng không có quân đội, và thực tế phải dựa vào Mỹ. Nước này thậm chí đã ký kết với Mỹ thỏa thuận quốc phòng song phương từ năm 1951, và các thỏa thuận với những đồng minh khác về bảo vệ quốc phòng của Iceland.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây, Mỹ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Iceland. Chuyến thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert O. Work đến Iceland vào tháng 9/2015 không ngoài mục đích đó. Dù họ gặt hái được điều gì, điều mà Mỹ thể hiện rõ ràng với cả thế giới là đang có những chuyển động tại khu vực này.

Bên cạnh đó, những lợi ích tiềm năng từ vị trí của Iceland, tuyến đường tàu biển có thể hình thành ở Bắc Cực, nối châu Á với châu Âu và châu Mỹ, cũng là điều cần xem xét kỹ lưỡng. Tầm quan trọng chiến lược của các tuyến đường này rất rõ ràng, khi nó có thể là giải pháp thay thế cho một Biển Đông đã đông đúc tàu thuyền.

Greenland là phần thưởng cho cuộc đua Mỹ - Trung

Khi Iceland nằm giữa ngã tư lợi ích của các nước từ châu Mỹ, châu Âu và châu Á, hòn đảo láng giềng Greenland mới thực sự là trọng tâm chính của cuộc đối đầu Mỹ - Trung ở Bắc Cực. Một nhà quan sát ở Đan Mạch cho biết, lợi ích chính của Trung Quốc ở Greenland không hoàn toàn vì các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực, mà là sự cạnh tranh với Mỹ.

Greenland là một trong những vùng lãnh thổ đất đai rộng rãi với nguồn tài nguyên tiềm năng còn chưa được khai thác nhiều. Ảnh:Independent

Greenland có kích thước gấp 4 lần nước Pháp nhưng dân số chưa tới 56.000 người. Nơi đây là sự kết hợp độc nhất giữa một vùng đất rộng lớn nhưng dân số thưa thớt, trong khi tầng lớp tinh hoa chính trị ít ỏi. Những điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong bối cảnh thế giới đang chú ý về những lợi ích ở đây, cũng như các hoạt động vận động hành lang đang diễn ra nhằm vào nguồn tài nguyên vô cùng to lớn, và vị trí chiến lược quan trọng của Greenland tại một Bắc Cực đang “toàn cầu hóa”.

Bên cạnh đó, Greenland cũng đang trong quá trình “xây dựng nhà nước”, điều này gây ra căng thẳng trong quan hệ Greenland với Đan Mạch những năm qua. Về mặt địa chính trị, Greenland là nơi mà sự hiện diện quân sự của Mỹ ở căn cứ không quân Thule đang là đối trọng với việc Trung Quốc tham gia vào ngành khai thác mỏ của Greenland, thông qua thỏa thuận đối tác chiến lược của nước này với Greenland.

Hồi năm 2003, Ủy ban Quyền tự trị Greenland từng công bố một báo cáo nói rằng “Mỹ sẽ luôn luôn quan tâm việc không có cường quốc nào khác muốn khẳng định lợi ích ở Greenland”. Đến năm 2015, Cơ quan tình báo Đan Mạch ra một báo cáo khác đề cập rằng: “Việc Trung Quốc quan tâm đến đầu tư vào các khu mỏ chiến lược của Greenland có thể đặt ra những nguy cơ đối với vùng lãnh thổ này của Đan Mạch”.

Bất kỳ dự án đầu tư nước ngoài nào ở Greenland đều đặt ra một nguy cơ an ninh đối với lợi ích của các bên liên quan đang tham gia vào việc bảo vệ quốc phòng cho vùng này, hoặc đang hiện diện quân sự ở Greenland. Mức độ nguy cơ tùy vào 3 yếu tố: quy mô đầu tư, nguồn gốc  kinh phí của dự án, và địa điểm triển khai dự án. Bên cạnh đó, do Greenland không có quân đội và phải dựa vào sự bảo vệ từ nước bên ngoài, nên việc xem xét phát triển kinh tế không thể tách rời những diễn biến chính trị ở Bắc Cực. Trong tương lai, Greenland sẽ đối mặt với thách thức phải cân bằng nhu cầu về đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, và sự phụ thuộc an ninh quốc phòng vào phương Tây, mà cụ thể là Mỹ.

Theo Theo Zing