Mỹ 'trừng phạt' Trung Quốc vì mua vũ khí Nga

Tiêm kích Su-35, một trong các mặt hàng Trung Quốc mua từ Nga
Tiêm kích Su-35, một trong các mặt hàng Trung Quốc mua từ Nga
TP - Trung Quốc đã lên tiếng phản đối quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Bắc Kinh vì mua chiến đấu cơ và các hệ thống tên lửa phòng không.

“Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ về động thái vô lý của Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói hôm qua, theo tường thuật của SCMP. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm và rút lại lệnh trừng phạt. Nếu không, Mỹ sẽ phải chịu hậu quả.

Trước đó, hôm thứ Năm theo giờ Mỹ, chính quyền của ông Trump đã quyết định áp dụng lệnh trừng phạt đối với quân đội Trung Quốc, trong lúc Washington cũng đang áp dụng một số lệnh trừng phạt đối với Nga vì theo họ Moscow đã can thiệp bầu cử ở Mỹ vào năm 2016.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ sẽ áp dụng ngay lập tức các lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển Thiết bị (EDD), một đơn vị của quân đội Trung Quốc chuyên trách về vũ khí và thiết bị quân sự, và đối với cá nhân chủ nhiệm Lý Thượng Phúc, vì thực hiện “một số giao dịch lớn” với Rosoboronexport, công ty xuất khẩu vũ khí chính của Nga. Các lệnh trừng phạt này liên quan đến việc Trung Quốc năm 2017 ký hợp đồng mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 và năm 2018 mua các thiết bị liên quan đến hệ thống phòng không S-400, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Mỹ 'trừng phạt' Trung Quốc vì mua vũ khí Nga ảnh 1 Hệ thống phòng không S-400 (Sputnik)
Theo lệnh trừng phạt, EDD và cá nhân ông Lý sẽ bị cấm giao dịch trong hệ thống tài chính Mỹ, cấm giao dịch với các công ty và cá nhân người Mỹ. Bên cạnh đó, phía Mỹ còn đưa vào danh sách đen 33 cá nhân và tổ chức được nói là có giao dịch với quân đội và tình báo Nga, chiểu theo luật Đối phó với kẻ thù của nước Mỹ qua các lệnh trừng phạt (CAATSA), theo Reuters.

Nhắm tới Nga là chính?

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm tới Trung Quốc nhưng mục tiêu chính lại là Nga.

“Mục tiêu quan trọng nhất của các lệnh trừng phạt này là Nga. CAATSA trong trường hợp này không nhằm hủy hoại năng lực quân sự của quốc gia nào cả”, vị quan chức Mỹ nói. “Thay vào đó, nó khiến phía Nga phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh”.

Tuy nhiên, nghị sỹ quốc hội Nga Franz Klintsevich nói các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán máy bay Su-35 và hệ thống tên lửa S-400.

“Tôi tin chắc rằng các hợp đồng này sẽ được thực thi đúng kế hoạch”, ông Klintsevich nói với hãng tin Interfax của Nga. “Đối với Trung Quốc, việc sở hữu số vũ khí này rất quan trọng”, ông nói.

Theo một số nhà phân tích, động thái của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng là chính và chỉ khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

“Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chẳng có tác động gì tới việc Nga bán vũ khí cho Trung Quốc”, học giả Ian Storey, thuộc viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak (Singapore), nói.

“Cả Nga và Trung Quốc đều chống lại thái độ trịch thượng, nước lớn của Mỹ và những hành động như vừa rồi của Washington chỉ đưa Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau hơn”. Theo ông Storey, Nga cần tiền của Trung Quốc, còn Bắc Kinh lại thèm muốn công nghệ quân sự tiên tiến của Moscow.

Động thái mới của chính quyền Mỹ xuất hiện khi ông Trump đang chịu áp lực ngày càng tăng từ chính giới Mỹ, đòi hỏi tổng thống phải phản ứng mạnh hơn đối với Nga, trong lúc có những thông tin tình báo nói rằng Nga tiếp tục can thiệp vào chính trị Mỹ.

Quan chức Mỹ cũng nói họ hy vọng lệnh trừng phạt áp dụng đối với EDD cũng là một thông điệp gửi tới những nước đang muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga mà rõ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong NATO.

Washington trước đó đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch triển khai S-400 của Ankara, e rằng việc này sẽ tạo ra mối nguy đối với một số loại vũ khí Mỹ cũng như các công nghệ Mỹ đang được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng, ví dụ máy bay tiêm kích tàng hình F-35.

Trong năm 2017, Nga bán cho Trung Quốc số vũ khí trị giá 15 tỷ USD, bằng với năm trước đó, theo thông tin từ Rosoboronexport được tờ SCMP trích dẫn. Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ và Trung Quốc là khách hàng lớn của Nga, chiếm 6% doanh số bán vũ khí của Moscow. Các loại vũ khí và thiết bị quân sự Bắc Kinh mua từ Nga bao gồm: máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35, hệ thống tên lửa phòng không S-400 tối tân, trực thăng đa dụng Ka-32, động cơ máy bay AL-31F lắp trên tiêm kích trên hạm J-15 Thẩm Dương do Trung Quốc tự phát triển dựa theo dòng máy bay Su-27 cũng của Nga; động cơ turbin cánh quạt D-30 trang bị cho máy bay vận tải và ném bom của Trung Quốc.



MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.