Mỹ-Trung nói gì về hải quân Trung Quốc?

Mỹ-Trung nói gì về hải quân Trung Quốc?
TPO - Sách trắng quốc phòng Trung Quốc ra mắt ngày 24/7 viết rằng, nước này gia tăng lực lượng thường trực của hải quân một cách vừa phải, có quyền triển khai hệ thống phòng thủ trên các đảo và đá ở biển Đông…

Theo Sách trắng quốc phòng, hải quân Trung Quốc gồm các lực lượng tàu ngầm, tàu nổi, không quân, thủy quân lục chiến và phòng vệ bờ biển.

Nói và làm

“Thể theo các yêu cầu chiến lược về phòng thủ biển gần và bảo vệ biển xa, hải quân Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chuyển đổi nhiệm vụ từ phòng thủ trên biển gần sang các sứ mệnh bảo vệ ở biển xa, và nâng cao năng lực phản công và răn đe chiến lược, vận động trên biển, thực hiện chiến dịch phối hợp trên biển, phòng thủ toàn diện và hỗ trợ tích hợp để xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, hiện đại”, Sách trắng viết.

Sách trắng cũng viết: “Trung Quốc thực hiện chủ quyền quốc gia của mình để xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các năng lực phòng vệ cần thiết trên các đảo và đá ở biển Đông, và tuần tra trong vùng biển quần đảo Điếu Ngư (hiện do Nhật Bản quản lý với tên gọi Senkaku) ở biển Hoa Đông”.

Theo Sách trắng, một đặc điểm nổi bật của quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới là nước này không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng hoặc gây ảnh hưởng.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ gây đau thương cho bất kỳ nước nào khác. Từ khi lập quốc 70 năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ khởi tạo bất kỳ cuộc chiến hoặc xung đột nào… Kể từ năm 2012, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã triển khai tàu để thực hiện hơn 4.600 chuyến tuần tra an ninh biển, 72.000 chiến dịch thực thi pháp luật và bảo vệ quyền, bảo đảm hòa bình, ổn định và trật tự trên biển”, Sách trắng viết. Nhưng sự thực có phải như vậy?    

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 20/7 nhận định, Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách hành xử cưỡng bách đối với các nước Đông Nam Á. “Các hành động khiêu khích liên tục nhằm vào sự phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên biển đe dọa an ninh năng lượng khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở… Trung Quốc phải chấm dứt lối hành xử bắt nạt và kiềm chế tham gia hoạt động khiêu khích, gây mất ổn định như vậy”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố cùng ngày.

Mỹ-Trung nói gì về hải quân Trung Quốc? ảnh 1

Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: PLA Daily. 

Hải quân lớn nhất khu vực

Theo báo cáo thường niên “Sự phát triển quân sự, an ninh liên quan Trung Quốc năm 2019” mà Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gửi tới Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, hải quân Trung Quốc là hải quân lớn nhất trong khu vực với hơn 300 tàu chiến và tiếp tục hiện đại hóa nhanh chuyển sang các nền tảng đa nhiệm.

Hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng thay đổi các nền tảng lỗi thời bằng các tàu chiến lớn, đa nhiệm với nhiều tính năng hiện đại liên quan chống tàu nổi, phòng không, cảm biến và vũ khí chống tàu ngầm.

Hải quân Trung Quốc tiếp tục mở rộng cơ cấu lực lượng quân đoàn thủy quân lục chiến. Trước đây, quân đoàn thủy quân lục chiến gồm 2 lữ đoàn và khoảng 10.000 quân nhân, bị giới hạn về mặt địa lý và nhiệm vụ tấn công đổ bộ và phòng thủ các tiền đồn ở biển Đông.

Đến năm 2020, quân đoàn sẽ gồm 7 lữ đoàn, có thể có hơn 30.000 quân nhân và mở rộng nhiệm vụ để thực hiện các chiến dịch viễn chinh bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Tổng hành dinh quân đoàn mới được thành lập, chịu trách nhiệm về nhân lực, huấn luyện và trang bị cho các đơn vị. Lần đầu tiên, quân đoàn cũng có tư lệnh riêng dù vẫn thuộc quyền hải quân. Quân đoàn có thể thành lập một lữ đoàn không quân để tăng năng lực tấn công, vận chuyển bằng trực thăng, tăng năng lực tấn công đổ bộ và chiến tranh viễn chính.

Về tàu ngầm, hải quân Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân  và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng truyền thống. Đến năm 2020, Trung Quốc có khoảng 65-70 tàu ngầm.

Trung Quốc tiếp tục tăng số lượng tàu ngầm truyền thống có thể mang tên lửa hành trình chống hạm. Kể từ giữa những năm 1990, hải quân Trung Quốc đã mua 12 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, trong đó có 8 chiếc có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm.

Những năm gần đây, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đã chuyển giao 13 tàu ngầm lớp Tống và 17 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện lớp Nguyên. Trong 15 năm qua, hải quân Trung Quốc đã đóng 12 tàu ngầm hạt nhân.

Được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo đang hoạt động của Trung Quốc là lực lượng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên của nước này.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 096 thế hệ mới của Trung Quốc sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo JL-3 (dự kiến bắt đầu được đóng vào đầu những năm 2020). Vào giữa những năm 2020, Trung Quốc có thể đóng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên lửa dẫn hướng Type 093B. Loại tàu mới này sẽ nâng cao năng lực chiến tranh chống tàu nổi của hải quân Trung Quốc và có thể tham gia các chiến dịch bí mật tấn công đất liền.

Về tàu nổi, hải quân Trung Quốc tích cực sản xuất tàu tuần dương tên lửa dẫn hướng, tàu khu trục tên lửa dẫn hướng, tàu hộ vệ tên lửa để nâng cao khả năng chống tàu ngầm, chống tàu nổi và phòng không. Những tàu này rất quan trọng vì hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động ra các vùng biển xa ngoài tầm hệ thống phòng không bờ biển.

Hải quân Trung Quốc đang nâng cao năng lực chiến tranh ven biển, đặc biệt ở biển Đông và Hoa Đông, tích cực sản xuất tàu hộ tống lớp Giang Đảo. Hơn 40 chiếc tàu loại này đã được phiên chế tính đến cuối năm 2018 và hơn chục chiếc đang được đóng hoặc sắp hoàn thiện…

Về tàu sân bay, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc hoàn tất chạy thử nghiệm năm 2018 và có thể gia nhập hạm đội vào cuối năm 2019. Tàu này là phiên bản chỉnh sửa của tàu Liêu Ninh nhưng vẫn còn hạn chế do thiếu hệ thống máy phóng phi cơ và có sàn máy bay nhỏ hơn hàng không mẫu hạm Mỹ.

Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay nội địa thứ hai vào năm 2018, nhiều khả năng lớn hơn và được trang bị hệ thống máy phóng phi cơ. Thiết kế này giúp tàu hỗ trợ thêm máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định và thực hiện nhiều chuyến bay nhanh hơn. Tàu sân bay nội địa thứ hai dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2022…

Mỹ-Trung nói gì về hải quân Trung Quốc? ảnh 2 Tàu hộ tống lớp Giang Đảo phóng thử tên lửa chống hạm YJ-83. Ảnh: Chinese Military Review.
MỚI - NÓNG