Mỹ tính chi 20 tỷ USD mỗi năm tiêu diệt phiến quân IS

Từ 15 đến 20 tỷ USD mỗi năm là số tiền ước tính Mỹ phải bỏ ra để thực hiện chiến dịch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria. Con số này khiến không ít người lo ngại liệu Washington có đủ sức để đi đường dài.
Mỹ tính chi 20 tỷ USD mỗi năm tiêu diệt phiến quân IS ảnh 1

Chiếc phi cơ chiến đấu F-18E của Mỹ được tiếp nhiên liệu trên bầu trời phía bắc Iraq sau khi không kích Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Mỹ và đồng minh đã mở rộng sang Syria, hệ quả là chi phí để duy trì hoạt động vì thế cũng tăng theo. Chuyên gia ngân sách quốc phòng nhận định, cuộc chiến của Mỹ ở giai đoạn này có thể tiêu tốn trên 1,5 tỷ USD mỗi tháng.

"Tôi ước tính chi phí cho chiến dịch này dễ lên đến khoảng 15 đến 20 tỷ USD một năm", Huffington Post dẫn lời Gordon Adams, giáo sư từ Đại học châu Mỹ, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại, nói. Dười thời Tổng thống Clinton, Adams từng làm việc tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách, nơi ông giám sát các khoản chi cho an ninh quốc gia và vấn đề quốc tế.

Adams đầu tiên cho rằng phí tổn của chiến dịch chống IS chỉ dừng ở mức 10 tỷ đến 15 tỷ USD một năm. Khi Mỹ mở rộng tấn công sang Syria, khởi động bằng cuộc không kích dữ dội hôm 23/9, ước tính ban đầu có sự thay đổi lớn, tăng thêm gần 416 triệu USD mỗi tháng, xấp xỉ 5 tỷ USD một năm.

Theo ông, các cuộc không kích là nguyên nhân chủ yếu đẩy chi phí lên cao. Tính riêng đợt oanh tạc đầu tiên ở Syria, Mỹ và đồng minh sử dụng 47 tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu khu trục và điều động hơn 200 cuộc không kích bằng máy bay phản lực. Số tiền để tiến hành các nhiệm vụ này lên đến khoảng 8 tỷ USD một năm.

Để phóng thành công mỗi tên lửa Tomahawk, Washington phải bỏ ra khoảng 1,1 triệu USD, thả  một quả bom "thông minh", có thể tìm mục tiêu nhờ chỉ dẫn từ vệ tinh, tốn 40.000 USD. Trong đợt không kích nhà máy lọc dầu ở đông Syria hôm 24/9, Mỹ dùng 18 quả bom loại này, theo thông tin từ Lầu Năm Góc.

Huấn luyện và trang bị cho lực lượng bộ binh trong khu vực, thuộc chính phủ Iraq và tộc người Kurd, sẽ tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD, đồng thời, việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho phiến quân Syria thân phương Tây tốn thêm khoảng một tỷ USD. Số tiền còn lại dùng chi tiêu cho hoạt động duy trì và xây dựng liên minh, Adams liệt kê. Tính toán sơ bộ này dựa trên các khoản thực tế từ chiến dịch không kích của Mỹ ở vùng Trung Đông và quá trình hỗ trợ lực lượng bộ binh ở Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, Richard Aboulafia, nhà phân tích quân sự đến từ Teal Group, lại khác quan điểm với Adams.Theo ông, phí tổn đáng kể nhất không nằm ở những quả tên lửa hay bom "chính xác" mà từ việc duy trì thời gian bay của phi cơ cũng như hoạt động của các thuyền chiến. "Khoản chi làm chúng ta bận tâm trong một thập kỷ qua không phải từ thu mua vũ khí mà từ việc duy trì hoạt động và bảo dưỡng thiết bị", USA Today dẫn lời Aboulafia nói.

Một chiếc phi cơ chiến đấu ngốn khoảng 10.000 USD mỗi giờ bay. Đặc biệt, chiếc F-22 tối tân, mệnh danh là "chim ưng" trên bầu trời, Mỹ sử dụng trong ngày đầu không kích Syria, tốn đến 68.000 USD.

So sánh với chiến dịch oanh tạc của các nước NATO ở Libya năm 2011 mà Mỹ tham gia trong khoảng 7 tháng và chi gần một tỷ USD thì con số được tính toán khá lớn. Tại Libya, Mỹ rút khỏi các đợt không kích chỉ sau vài ngày đầu, nhiệm vụ chính của Washington thời gian đó là hỗ trợ đồng minh một số tàu chở dầu tiếp liệu và máy bay giám sát. Cuộc tấn công IS lần này, hành động của Mỹ chi phối thành bại của toàn chiến dịch. Vai trò từng thời điểm có khác biệt rõ rệt.

Đủ sức để đi đường dài?

Hôm 25/9, Lầu Năm Góc ước tính chi phí quân sự ở Iraq và Syria lên tới khoảng 210 triệu đến 300 triệu USD một tháng. Adams cho rằng "đây chắc chắn là một đánh giá không đúng mức vì nó chưa bao gồm tiền hỗ trợ cho lực lượng đối lập ở Iraq và Syria cũng như các khoản để duy trì liên minh".

Mỹ tính chi 20 tỷ USD mỗi năm tiêu diệt phiến quân IS ảnh 2

Tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ một tàu khu trục Mỹ trên Vịnh Ba Tư. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Đến nay, tiền cho công tác chống khủng bố chủ yếu được huy động qua quỹ Chiến dịch Hải Ngoại Bất thường (Overseas Contingency Operation, OCO), một khoản chi tiêu riêng biệt trong ngân sách quốc phòng.  Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua  hồi đầu tháng, chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria sẽ vẫn hoạt động dựa vào nguồn của OCO chuyển từ ngân sách năm tài khóa 2014.

   

Khi được hỏi liệu tiền trong ngân sách quốc phòng có đủ để Mỹ đi đến cùng và đạt mục tiêu "làm suy yếu và tiêu diệt" IS trong khi vẫn duy trì một lực lượng vũ trang hùng hậu không, nhà kinh tế Eugene Steuerle, chuyên gia ngân sách tại Viện Đô thị, cho rằng điều này rất khó. Mỹ sẽ phải đối mặt với quá trình giảm biên chế trong quân đội, cắt đáng kể ngân quỹ cho các chương trình sức khỏe và hưu trí hoặc ngân sách sẽ bị thâm hụt nghiêm trọng, CNBC dẫn lời ông nhận xét.

Nhà Trắng đang tìm kiếm ủng hộ tài chính từ hơn 50 quốc gia đồng ý hỗ trợ chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm đánh bại các tay súng cực đoan IS. Theo Adams, "Cơ hội đó luôn tồn tại", tuy nhiên ông cũng thêm rằng, "Trong lịch sử, ngoài cuộc chiến tranh vùng Vịnh, khi các nước trong liên minh đứng cạnh nhau theo cách này, họ thường tự trả phí tổn của riêng mình".

Theo Vũ Hoàng

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG