> Mỹ - Philippines tập trận hải quân
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin quân sự và ngoại giao, Mỹ không tìm cách mở lại các căn cứ quân sự ở Philippines. Tháng trước, một số quan chức ngoại giao và quân sự cao cấp của Philippines gặp gỡ đồng nhiệm ở Washington để bàn cách tăng cường số lượng và tần suất các cuộc tập luyện, đào tạo chung, chuyến thăm bằng tàu, máy bay…
“Những cuộc nói chuyện của chúng tôi tập trung vào hợp tác quân sự và phi quân sự, như đối phó thảm họa, trợ giúp nhân đạo, chống khủng bố, không phổ biến vũ khí. Không có cuộc bàn bạc nào về các căn cứ quân sự mới của Mỹ”, một quan chức ngoại giao nói.
Những hoạt động này sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận sâu hơn vào Philippines, mở rộng sự hiện diện không chỉ ở các cơ sở quân sự địa phương và khu vực đào tạo mà vào tận trung tâm tỉnh Cebu hay đảo Batanes gần Đài Loan (Trung Quốc).
Các máy bay và chiến hạm của Mỹ đang tìm cách để được tiếp tế, tái nạp nhiên liệu và sửa chữa, chứ không chỉ thăm thiện chí hoặc tham gia đào tạo, tập luyện. Vấn đề này có thể được nêu ra trong chuyến thăm Manila từ ngày 10-2 (giờ Mỹ) của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Andrew Shapiro.
Bên cạnh hoạt động đào tạo và tập luyện, hai nước đã thảo luận vấn đề Mỹ hỗ trợ quân sự Phillipines, trong đó có trợ giúp thiết bị và dữ liệu để tăng cường nhận thức về lãnh thổ ở khu vực Biển Đông.
Một tàu chiến lớp Hamilton thứ hai của Mỹ sẽ được chuyển giao cho Hải quân Philippines trong năm nay. Việc chuyển giao chiến hạm thứ ba cũng đã được bàn thảo. Một số nguồn tin quân sự nói rằng Manila đang cân nhắc thuê thêm tàu tuần tra biển loại mới, tàu hỗ trợ, hải vận, máy bay chiến đấu cỡ lớn dùng trong huấn luyện…
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltair Gazmin nói rằng Manila đang xem xét đề xuất của Mỹ nhằm triển khai máy bay do thám P3C-Orion để theo dõi các hoạt động trên Biển Đông.
Vấn đề căng thẳng trong khu vực và kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ được đề cập trong các cuộc nói chuyện khi Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Washington vào tuần tới.
Trung Quốc đã bày tỏ mối e ngại về việc tăng cường quân sự của chính quyền Obama trong khu vực vào thời điểm Bắc Kinh cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự.
Một quan chức ngoại giao của Philippines nói rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Washington được hậu thuẫn bởi Hiệp định các lực lượng viếng thăm năm 1998 và Hiệp định hỗ trợ hậu cần song phương năm 2002.
Gia Tùng tổng hợp