Giám đốc bộ phận mua sắm của Lục quân Mỹ Bruce Jette đã chỉ đạo Phòng thí nghiệm Nhìn đêm và Cảm biến điện tử của lực lượng này phát triển loại pháo tự động và sẵn sàng thử nghiệm bắn đạt thật vào tháng 6 năm sau. Nhiều nguồn tin nói với Breaking Defense ngày 5/6 rằng, pháo mới sẽ sử dụng ATLAS của phòng thí nghiệm nổi tiếng này.
Súng tự động sẽ “nghĩ” nhanh như con ruồi
Jette không phải là quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc công khai cho rằng, pháo tự động có lợi thế không gì so sánh được về mặt tốc độ. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, giám đốc bộ phận mua sắm và công nghệ Frank Kendall gợi ý rằng, nếu đối phương loại bỏ những người suy nghĩ chậm ra khỏi hệ thống điều khiển vũ khí của họ thì Mỹ có thể phải làm tương tự.
Hải quân Mỹ từng thực hiện chế độ tự động trên hệ thống điều khiển khai hỏa Aegis của họ. Chế độ này được dùng để xử lý hàng loạt tên lửa đối phương bay đến quá nhanh khiến người vận hành không kịp phản ứng. Hệ thống Aegis tự động cũng có thể bắn hạ máy bay có người lái.
Hệ thống kiểm soát khai hỏa Aegis đã có chế độ tự động hoàn toàn, nhưng là để đánh chặn tên lửa, máy bay, không phải các mục tiêu trên mặt đất.
Hiện nay, Lục quân đang lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động “Chiến lợi phẩm” do Israel sản xuất lên xe tăng M1 Abrams và m2 Bradleys. Hệ thống này phát hiện và bắn hạ tên lửa, rocket chống tăng đang bay tới – tính năng phải hoàn toàn tự động vì không đủ thời gian cho con người phản ứng.
Tuy nhiên, Jette đang nói về việc tự động hóa việc xác định xe trên mặt đất, thường là có người bên trong. Ông tin rằng, việc con người nhường một số tính năng cho máy tính có thể là cách duy nhất để hành động đủ nhanh trong các trận đánh trong tương lai.
Từng là sĩ quan thiết giáp, Jette hiểu rằng, chiến thắng trong các trận chiến xe tăng thường không thuộc về xe có pháo to nhất hay giáp dày nhất mà thuộc về bên nào nhìn thấy đối phương đầu tiên và khai hỏa trước. “Thời gian là vũ khí”, ông nhận định.
“Đèn trong phòng này là 60 Herts. Tức là đèn huỳnh quang nhấp nháy tiêu chuẩn là bật-tắt khoảng 60 lần một giây. Chúng ta không thể nhận thấy điều đó vì não không thể tiếp nhận thông tin nhanh như vậy. Óc ruồi nhỏ hơn rất nhiều so với não người nhưng nó xử lý thông tin trực quan nhanh hơn, khoảng 80 Hertz. Vì thế rất khó đập chết nó”, Jette giải thích.
Tương tự, pháo tự động không thông minh hơn người nhưng “nghĩ” nhanh hơn, đủ để khai hỏa trước đối phương. “Pháo sẽ nhanh như ruồi”, ông nói.
Bổ sung cơ chế tự động bóp cò
Hiện nay, ATLAS không tự bóp cò vì hệ thống này không có phần kết nối thực tế với cơ chế bóp cò. Vì thế, quyết định cuối cùng của việc bắn hay không nằm hoàn toàn trong tay con người.
Jette nói rằng, Lục quân Mỹ có thể sẽ tìm cách giảm sự hiện diện của con người trong quá trình điều khiển súng đạn. Một quân nhân có thể sẽ xem xét dữ liệu giám sát, ví dụ hình ảnh được máy bay không người lái cung cấp theo thời gian thực, rồi ra lệnh cho một trung đội robot nổ súng vào một nhóm mục tiêu. Jette không thảo luận chi tiết về kỹ thuật với phóng viên, nhưng cách tiếp cận này đòi hỏi cần có cơ chế bóp cò tự động mà ATLAS hiện không có.
Cách tiếp cận này có thể sẽ không vi phạm chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc phải có người điều khiển trang thiết bị gây chết người. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động cho rằng, ATLAS có thể dễ dàng bị chỉnh sửa để không cần người điều khiển mà pháo vẫn tự động nã đạn.
Sự nguy hiểm của các hệ thống như vậy không phải chỉ ở chỗ chúng có thể giết nhầm người mà còn là thực tế người điều khiển có thể quá tin tưởng và nghe lời máy tính – một hiện tượng có tên “thiên kiến tự động hóa”.
“Tôi hiểu mối lo ngại về các khẩu pháo mất điều khiển… Nhưng vấn đề là ở binh sĩ. Trong môi trường chiến đấu, họ bị căng thẳng cực độ, có thể phạm nhiều lỗi hơn robot”, Jette nói.
Sau khi thử nghiệm kỹ càng, pháo tự động có thể được trang bị cho xe chiến đấu tự hành (OMFV) – loại xe sẽ thay thế xe bọc thép M2 Bradley hiện nay.