Mỹ thanh minh việc theo dõi đồng minh

Mỹ thanh minh việc theo dõi đồng minh
TP  - Gần như mọi chính phủ, chứ không chỉ riêng Mỹ, có “rất nhiều hoạt động” để bảo đảm an ninh và lợi ích của mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua biện hộ trước cáo buộc Mỹ bí mật theo dõi cả Liên minh châu Âu (EU) và một số đồng minh khác.

> Mỹ - Nga: Khiêu khích, trả đũa và 'thọc gậy bánh xe'
> Cựu tướng Mỹ bị nghi làm rò rỉ tin mật

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị cáo buộc nghe lén các văn phòng EU tại New York và Washington. ẢNH: GETTY IMAGES
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị cáo buộc nghe lén các văn phòng EU tại New York và Washington. ẢNH: GETTY IMAGES.

Báo The Guardian (Anh) ngày Chủ nhật đưa tin Mỹ theo dõi cả EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh ông Kerry đến tham dự hội nghị an ninh châu Á tổ chức ở Brunei hôm qua.

Ông Kerry xác nhận Cao ủy của EU Catherine Ashton đã nêu vấn đề này với ông trong cuộc gặp ở Brunei. Một số nhà làm luật EU nói rằng, các cuộc đàm phán về hiệp định tự do thương mại giữa Washington và EU nên dừng lại để đợi Mỹ làm rõ vụ việc.

Các lãnh đạo đảng Xanh ở Nghị viện châu Âu kêu gọi điều tra ngay lập tức trước các cáo buộc, đồng thời chấm dứt hiệp định Mỹ - châu Âu về trao đổi thông tin giao dịch ngân hàng và dữ liệu về hành khách mà lâu nay vẫn bị nhiều chính trị gia cho là vi phạm quyền riêng tư của công dân.

Ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, phát biểu với kênh phát thanh của Pháp rằng, Mỹ đã vượt quá giới hạn. “Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng những chế độ độc tài, chuyên quyền mới hay theo dõi… nhưng biện pháp đó giờ đang được sử dụng bởi một đồng minh, một người bạn, điều đó thật sốc, nếu đó đúng là sự thật”, ông Schulz nói trong bài phát biểu với đài France 2.

“Nếu thông tin trên báo chí là chính xác thì điều này gợi lại những hành động giữa kẻ thù với nhau trong thời Chiến tranh Lạnh. Không thể tưởng tượng được rằng những người bạn ở Mỹ lại coi châu Âu như kẻ thù”, Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger nhận xét. Một số quan chức Nhật và Hàn Quốc cho biết họ đã nắm được thông tin trên báo chí và yêu cầu Washington giải thích. Giới chức New Delhi chưa phản hồi ngay.

Trước sự phản ứng giận dữ từ châu Âu, các quan chức tình báo Mỹ nói rằng họ sẽ giải thích với giới chức châu Âu về vấn đề này qua con đường ngoại giao.

Trong khi đó, một số cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thúc giục Nhà Trắng minh bạch hóa chương trình theo dõi để làm dịu cơn giận của các nước.

Theo tạp chí Der Spiegel của Đức, NSA đã xâm nhập các văn phòng của EU và truy cập vào mạng máy tính nội bộ của khối này. Trước đó, Der Spiegel đưa tin, cơ quan của Mỹ theo dõi nửa triệu cuộc gọi điện thoại, email và tin nhắn văn bản của người Đức chỉ trong vòng 1 tháng, nhiều hơn hẳn so với EU và tương đương số lượng bị theo dõi ở Trung Quốc hay Iraq. NSA bị cáo buộc đã cài thiết bị an ninh tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) để truy cập hệ thống bảo trì điện thoại, từ đó có thể chặn các cuộc gọi và truy cập mạng của các quan chức EU cao cấp.

Những tiết lộ về chương trình giám sát của Mỹ xuất phát từ cựu nhân viên hợp đồng của NSA và cựu chuyên gia phân tích của CIA, ông Edward Snowden, làm dấy lên nhiều lo ngại về ranh giới giữa quyền riêng tư và an ninh quốc gia.

Trúc Quỳnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG