'Mỹ sẽ không để yên cho Triều Tiên nữa'

Nhà báo Phạm Phú Phúc nhận định, không loại trừ khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công quân sự Triều Tiên. Ảnh: Thu Loan.
Nhà báo Phạm Phú Phúc nhận định, không loại trừ khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công quân sự Triều Tiên. Ảnh: Thu Loan.
TPO - Việc Mỹ mới đây tấn công Syria bằng tên lửa hay đưa nhóm tác chiến tàu sân bay đến gần Triều Tiên cho thấy có thể đã đến lúc Washington sẵn sàng làm những điều bất ngờ, không để yên cho Bình Nhưỡng như lâu nay nữa.

Đó là nhận định của chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, nhà báo Phạm Phú Phúc khi trao đổi với PV Tiền Phong về hàm ý của Mỹ trong những hành động gần đây đối với Triều Tiên.

Mỹ vừa điều nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực bán đảo Triều Tiên. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Mỹ?

Ông Phạm Phú Phúc: Việc Mỹ vừa tấn công Syria không chỉ nhằm vào Syria mà còn gửi tín hiệu đến những bên khác. Hàm ý về Triều Tiên đã thể hiện rõ trong vụ tấn công này, rằng Mỹ có thể giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bất kỳ lúc nào giống như việc đơn phương, bất chấp tất cả khi bắn tên lửa vào Syria. Việc Mỹ sau đó đưa tàu sân bay vào vùng biển Hàn Quốc và dọa sẽ triển khai trở lại vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc là nhằm thể hiện rằng, Mỹ sẽ không để yên vấn đề Triều Tiên như lâu nay nữa.

Mỹ sẽ có thể bỏ qua Trung Quốc mà tự giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Thực chất, Mỹ muốn mượn tay Trung Quốc thông qua việc gây áp lực khiến Bình Nhưỡng thôi bắn thử tên lửa hay thử hạt nhân. Nhưng Mỹ đã cảm thấy Trung Quốc không sẵn sàng hoặc không làm được việc đó. Bây giờ chúng ta có thể khẳng định Trung Quốc không thể làm được vì Bình Nhưỡng lâu nay đã quay lưng với Bắc Kinh ở mức độ nhất định.

Việc phóng tên lửa vào Syria và đưa nhóm tàu chiến đến Hàn Quốc còn để cảnh báo những người, những quốc gia khác đang có căng thẳng nhất định với Mỹ, như Iran, rằng Mỹ sẵn sàng bất chấp tất cả để giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tổng thống Donald Trump còn muốn khẳng định với cử tri Mỹ và với thế giới về sức mạnh của Mỹ. Trong lúc tranh cử, ông Trump nói Mỹ phải trở về vị trí số một. Và đây cũng là cách khẳng định ông sẽ đưa Mỹ hùng cường trở lại.

Vậy, ông đánh giá thế nào về khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên hay đây cũng chỉ là một“đòn gió”?

-Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đời tổng thống trước đó, việc điều nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực bán đảo Triều Tiên có thể chỉ để “diễu võ giương oai”. Nhưng với ông Trump, mọi thứ đều có thể khác và rất khác, nên hành động như vậy không chỉ để dọa dẫm đâu. Với ông Trump, mọi thứ đều có thể xảy ra. Vụ tấn công Syria vừa qua và các sắc lệnh cấm nhập cư mà ông ấy đưa ra cho thấy ông ấy sẵn sàng làm những thứ khác người. Vì thế, không loại trừ khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên.

'Mỹ sẽ không để yên cho Triều Tiên nữa' ảnh 1 Lính Mỹ huấn luyện quân sự chung với quân đội Hàn Quốc. Ảnh: SOREP.

Hy vọng tháo ngòi nổ

Theo ông, nếu xảy ra, chiến tranh sẽ gây hậu quả gì?

-Mục tiêu của ông Trump là đưa nước Mỹ hùng cường trở lại, nhưng chủ yếu với ý nghĩa kinh tế, thương mại. Nên Mỹ cũng lo ngại chiến tranh với Triều Tiên sẽ kéo nước Mỹ lại vài ba chục năm. Tuy nhiên, với tính cách và con người ông Trump, dư luận quốc tế lo ngại chiến tranh có thể xảy ra.

Nếu xảy ra, đó sẽ không phải cuộc chiến thông thường. Mỹ có vũ khí hạt nhân, và Triều Tiên đã nhiều lần dọa tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Nếu Triều Tiên không tấn công sang được Mỹ thì những nước đồng minh của Mỹ nằm sát nách Triều Tiên như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Hawaii sẽ hứng chịu. Triều Tiên lâu nay bị o ép vì nhiều biện pháp cấm vận. Người ta sợ rằng, nếu bị tấn công phủ đầu, nước này sẽ phản ứng rất tiêu cực, làm ảnh hưởng đến cả khu vực và có thể kéo cả những nước như Trung Quốc vào. Khi đó, nền kinh tế thế giới sẽ bị chao đảo, bị “lộn tùng phèo”. Vì thế, vẫn còn hy vọng tới đây có thể Trung Quốc hay cộng đồng quốc tế sẽ tìm ra hướng đi nào đó để tháo ngòi nổ Triều Tiên, giống như cách Nga đã làm khi ông Obama định tấn công Syria.

Việc Tổng thống Trump gần đây đưa ra đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, theo đó giảm mạnh chi ngân sách cho các hoạt động như ngoại giao nhưng tăng chi mạnh cho quốc phòng có phải là một sự chuẩn bị cho việc Mỹ sẽ can thiệp mạnh vào Syria và Triều Tiên?

-Tất cả những điều này đã được báo trước. Nhưng sau nỗ lực của ông Trump nhằm phá bỏ hệ thống chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare) của người tiền nhiệm thất bại ngay từ trong trứng nước, Nhà Trắng mỗi khi trình dự luật gì trước Hạ viện đều phải rất cân nhắc vì có thể không chỉ phe Dân chủ mà nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng không ủng hộ. Việc tăng ngân sách quốc phòng cũng có thể gặp trở ngại ngay tại Hạ viện.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG