Quân đội Iran hiện có hơn 700.000 quân, bao gồm đội quân truyền thống khoảng 350.000 người, theo một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) được công bố tháng trước. Con số này không bao gồm lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) – một lực lượng chuyên biệt gồm 1250.000 lính bộ binh và 20.000 nhân sự hải quân, báo cáo của CRS viết.
“Tên lửa Iran đủ sức bắn tới các mục tiêu quân sự Mỹ, gồm các căn cứ trong khu vực và tàu sân bay USS Abraham Lincoln và Washington biết điều này", báo Times of Israel dẫn lời Tư lệnh phòng không-không quân IRGC Amir Ali Hajizadeh tuyên bố ngày 21/6.
Chính IRGC, lực lượng bị chính quyền Mỹ hồi tháng 4 coi là một tổ chức khủng bố nước ngoài, đã tạo ra sự xích mích giữa Mỹ và Iran, báo Mỹ The Washington Post đưa tin ngày 21/6. IRGC tuần tra eo biển Hormuz có tầm quan trọng chiến lược, giám sát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và nhận trách nhiệm vụ phóng tên lửa bắn rơi máy bay do thám không người lái RQ-4 của Mỹ trên vịnh Oman sáng 20/6. Vụ việc khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tấn công trả đũa nhưng hủy vào phút chót.
Năng lực chiến tranh bất đối xứng
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) năm 2018, nhiều loại vũ khí của Iran thuộc loại “ít dùng, lỗi thời hoặc có chất lượng tương đối thấp”. Nhưng báo cáo cũng nhận định, các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, hệ thống phòng không và các lực lượng ủy nhiệm của nước này như Houthi, Hezbollah… đáng để đề phòng, không nên xem nhẹ.
Jim Stavridis, đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu, nói rằng, Iran có năng lực chiến tranh bất đối xứng “cực kỳ mạnh”, dù có hỏa lực kém hơn nhưng khi xung đột xảy ra, khả năng chiến đấu lại cao hơn đối phương.
“Kỹ năng mạng, chiến thuật đám đông tàu nhỏ, tàu ngầm chạy bằng diesel, lực lượng đặc biệt và tên lửa hành trình đất đối đất đều là những tài sản cao cấp của Iran”, ông Stavridis nhận định. “Iran cũng rất giàu kinh nghiệm triển khai chúng trong các môi trường phức tạp của Trung Đông. Họ có thể gây ra một thách thức lớn đối với các lực lượng Mỹ dù cuối cùng chúng ta sẽ chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc đối đầu nào”.
Một quan chức quốc phòng Mỹ (đề nghị giấu tên) hôm 21/6 nói rằng, các tàu chiến đi cùng tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln sẵn sàng tấn công Iran nếu được lệnh. Các chiến hạm này gồm tàu khu trục USS Bainbridge và tàu tuần dương tên lửa dẫn hướng USS Leyte Gulf – cả hai đều có thể mang tên lửa hành trình Tomahawk, vị quan chức quốc phòng cho biết.
Các sĩ quan quân đội Mỹ hôm 21/6 (ngày 22/6 theo giờ Việt Nam) từ chối cho biết liệu tàu sân bay USS Abraham Lincoln và các tàu hộ tống có đang ở chế độ chờ, sẵn sàng tấn công Iran hay không.
“Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ duy trì năng lực quân sự mạnh trong khu vực, sẵn sàng phản ứng với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào”, trung tá Earl Brown, người phát ngôn quân đội Mỹ, nói. “Mỹ không tìm kiếm xung đột với Iran, nhưng chúng tôi vào vị trí và sẵn sàng bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực”, ông Brown tuyên bố.
Iran có vũ khí hiện đại của Nga
Trong số các loại vũ khí, khí tài mà Iran đang sở hữu có hệ thống tên lửa phòng không cực mạnh S-300 của Nga. Hệ thống này có thể nhằm vào các vật thể ở độ cao hơn 24 km.
S-300 được phát triển để nâng cao khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình, và các biến thể của hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa này có thể đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật. S-300 có khả năng theo dõi đồng thời 100 mục tiêu và tiêu diệt máy bay tàng hình.
Năm 2010, Nga thông báo tiếp tục bán các tổ hợp S-300 cho Iran. Theo nhiều nhà phân tích, chúng có thể được trang bị loại radar phát hiện máy bay tàng hình được sử dụng trong hệ thống S-400.
Ngoài S-300, Iran còn có phi đội hơn 300 chiếc máy bay dù không tân tiến như các chiến đấu cơ của Không lực Mỹ, The Washington Post ngày 21/6 dẫn báo cáo của CRS. Các chiến đấu cơ của Iran gồm có MiG-29 (máy bay tiêm kích phản lực thế hệ 4 do Nga thiết kế, chế tạo), Su-24 (máy bay ném bom do Liên Xô phát triển giai đoạn 1970-1980) và F-4 (máy bay tiêm kích-ném bom tầm xa siêu thanh hai chỗ ngồi hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết được công ty Mỹ McDonnell Douglas thiết kế, chế tạo giai đoạn 1958-1981). Iran mua F-4 từ Mỹ trước khi cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979, theo CRS.
Trong khi đó, Hải quân Iran được tin rằng có đội tàu hơn 100 chiếc, khoảng một nửa là tàu nhỏ tốc độ cao. Chúng tuy không sánh được với các tàu khu trục Mỹ nhưng có thể khiến giao thông hàng hải tê liệt bằng cách rải thủy lôi và quấy nhiễu các tàu thương mại.
Hành động của IRGC và các lực lượng ủy nhiệm của Iran cũng khiến giới chức Mỹ cảnh giác, lo ngại. Chính phủ Mỹ cho rằng, các lực lượng này đã nhiều lần tấn công nhiều địa điểm khắp thế giới suốt 20 năm qua. Lầu Năm Góc mới đây nói rằng, họ tin các lực lượng ủy nhiệm của Iran chịu trách nhiệm cho cái chết của ít nhất 608 quân nhân Mỹ ở Irag trong cuộc chiến 8 năm do Mỹ phát động năm 2003.
Đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đang triển khai thêm 1.000 quân tới Trung Đông để răn đe Iran. Sau đó vài ngày, Lầu Năm Góc nói rõ rằng, trong số lực lượng bổ sung có một tiểu đoàn tên lửa Patriot – dùng để phòng không, bảo vệ máy bay do thám có người lái và không người lái, máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ cùng “các khả năng răn đe khác”.
Nhiều hãng hàng không tránh bay qua không phận Iran
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng, các hãng hàng không Ấn Độ vừa quyết định tránh “các vùng bị ảnh hưởng của không phận Iran” và điều chỉnh các chuyến bay cho phù hợp, Xinhua đưa tin ngày 22/6.
Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ ngày 22/6 tuyên bố, tất cả các hãng hàng không nước này quyết định tránh bay qua một phần không phận Iran để đảm bảo an toàn cho hành khách. Kế hoạch chi tiết cho việc điều chỉnh đường bay cho các chuyến bay tới Ấn Độ cũng đang được bàn thảo.
Một số hãng hàng không quốc tế cũng đã tạm dừng các chuyến bay quan không phận Iran, phía trên eo biển Hormuz và vịnh Oman. Các nhà phân tích nói rằng, căng thẳng Iran-Mỹ sẽ ảnh hưởng hơn 100 chuyến bay mỗi ngày.
Cục Hàng không liên bang Mỹ đã chỉ đạo các hãng hàng không nước này không bay qua không phận Iran vì “hoạt động quân sự gia tăng” và có rủi ro vô tình đối với hàng không dân dụng, Forbes đưa tin ngày 22/6.
Dù lệnh cấm này chỉ áp dụng với các hãng hàng không Mỹ, một số hãng bay nước ngoài như British Airways, KLM, Qantas và Lufthansa cũng khẳng định sẽ tuân thủ yêu cầu này, sau khi máy bay không người lái Mỹ trên vịnh Oman bị bắn rơi.