Hôm 19/3, Louis Cardin, đại đội trưởng thủy quân lục chiến Mỹ, một pháo thủ chiến trường thuộc Đơn vị Thủy quân Lục chiến Viễn chinh số 26, thiệt mạng trong một vụ tấn công rocket của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở gần Makhmur, Iraq. Vụ tấn công này đã thúc đẩy quân đội Mỹ phát triển một loại pháo có tầm bắn xa hơn, giúp các pháo thủ ở ngoài tầm bắn của vũ khí đối phương, theo WarIsboring.
Theo chuyên gia quân sự Joseph Trevithick, quân đội Mỹ đang tiến hành một gói nâng cấp giúp lựu pháo M-777 có thể tăng gấp đôi tầm bắn. Hiện tại, khẩu lựu pháo 155 mm trong biên chế của Lục quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ này chỉ có thể nã đạn vào các mục tiêu cách xa khoảng 30 km.
Biến thể cải tiến M-777ER "sẽ đủ khả năng bắn trúng mục tiêu ở tầm xa ngoài phạm vi tấn công của địch", David Bound, kỹ sư đứng đầu dự án Picatinny Asernal ở New Jersey nói. "Binh sĩ sẽ không phải lo lắng về việc sẽ rơi vào tình huống bị tấn công trước khi họ có thể đáp trả".
Các cải tiến sẽ khiến pháo M-777ER nặng thêm khoảng 453 kg, nhưng chúng giúp các pháo thủ khai hỏa chính xác hơn, có tốc độ bắn nhanh hơn nhờ cơ chế nạp đạn tự động.
Thay đổi lớn nhất của M-777ER là nòng pháo được kéo dài thêm 1,82 m, giúp khẩu lựu pháo này có thể bắn trúng kẻ thù ở khoảng cách hơn 69 km, gấp đôi tầm bắn trước đây. Trong tương lai gần, khẩu pháo này có thể tiếp tục tăng tầm bắn nhờ đạn nhồi thêm thuốc phóng và hỗ trợ cơ chế phản lực.
Dù những cải tiến của pháo M-777ER nghe có vẻ đơn giản, chiều dài tăng thêm của nòng pháo mới gây không ít rắc rối trong quá trình sử dụng. Khác với các khẩu lựu pháo đời cũ dùng móc ở càng pháo để gắn vào xe tải kéo, pháo M-777 dùng móc kéo ở ngay đầu nòng pháo.
Lính Mỹ móc nòng pháo M-777 vào đuôi xe tải để di chuyển. Ảnh:US Marine Corps.
Ngay cả khi gập lại để di chuyển, pháo M-777ER vẫn có chiều dài hơn 10,6 m. Với gần hai mét chiều dài tăng thêm từ đuôi xe tải đến trục bánh xe của pháo, nếu pháo di chuyển trên địa hình gồ ghề hoặc đường dốc, nòng pháo rất dễ bị cong. Nòng pháo cong là thảm họa của bất cứ khẩu đội pháo nào, vì đạn rất dễ có nguy cơ phát nổ ngay đầu nòng, khiến cả đội gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Vì thế thử thách lớn nhất của dự án này là thuyết phục các pháo thủ rằng khẩu pháo vẫn hoạt động tốt trên mọi địa hình. Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch bắn trình diễn để chứng minh rằng khẩu pháo cải tiến đã sẵn sàng tác chiến. Bộ binh Mỹ cũng dự kiến lắp loại nòng dài hơn này cho các khẩu pháo tự hành M-109A7 mới.
Các pháo tầm xa rõ ràng sẽ phát huy hiệu quả lớn hơn trong cuộc chiến chống IS. Kể từ mùa hè năm 2015, quân đội Mỹ đã bắn hàng trăm quả đạn pháo phản lực HIMARS 227 mm từ các căn cứ ở Iraq và Jordan để diệt IS ở khoảng cách lên tới 69 km, tương đương tầm bắn mà quân đội Mỹ kỳ vọng ở pháo M-777ER.
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS có thể bắn với tốc độ 12 phát/phút, nhưng nó chỉ có thể bắn tối đa 6 quả đạn trước khi kíp pháo thủ phải nạp đạn tiếp.
Pháo M-777 có tốc độ bắn chậm hơn nhiều, chỉ 2-5 phát/phút, nhưng một khẩu pháo có thể bắn liên tục trong nhiều phút mà không cần dừng lại nạp đạn như HIMARS. Sử dụng đạn dẫn đường bằng vệ tinh, pháo M-777ER có thể đạt độ chính xác cao tương tự như HIMARS.
Một kíp pháo thủ M-777. Ảnh:US Marine Corps.
Các pháo thủ của Thủy quân lục chiến Mỹ ở căn cứ Bell đang yểm trợ hỏa lực cho quân đội chính phủ Iraq tấn công IS để giải phóng thành phố Mosul. Tuy nhiên, những khẩu pháo M-777 hiện nay không đủ tầm để bắn từ căn cứ Bell tới khu vực ngoại ô Mosul, nơi có các ổ đề kháng của IS.
"Với những khẩu M-777ER có tầm bắn gấp đôi, thủy quân lục chiến Mỹ có thể giáng những đòn tấn công mạnh mẽ vào lực lượng phòng thủ của phiến quân ở Mosul, yểm trợ hiệu quả cho chiến dịch tấn công của quân đội Iraq", Trevithick nhấn mạnh.