Theo các nhà phân tích, đây là hành động mang tính biểu tượng thể hiện sự ghi nhận những tiến bộ về nhân quyền ở Myanmar và là cột mốc trong việc nước này nối lại quan hệ với phương Tây.
Anh mới đây bắt đầu nỗ lực nối lại quan hệ quân sự với Myanmar. Tướng về hưu Mike Jackson, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của quân đội Anh, gặp Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win ở Naypyitaw ngày 21-9. “Hai bên thẳng thắn thảo luận tăng cường quan hệ giữa quân đội Anh và Myanmar, Thông tấn xã Myanmar đưa tin.
Myanmar vừa được mời làm quan sát viên cuộc tập trận Cobra Gold. Theo một số chuyên gia an ninh, đây là một phần của quá trình tái lập quan hệ giữa Mỹ với Myanmar, dưới danh nghĩa đối thoại nhân đạo của một chính phủ bán dân sự, sau 49 năm quân đội trực tiếp điều hành đất nước.
Đây cũng được coi là bước đầu nhằm tiến tới việc nối lại ràng buộc quân sự giữa Mỹ và Myanmar bị đứt đoạn từ năm 1988, khi quân đội Myanmar nổ súng vào những người biểu tình đòi dân chủ, khiến hàng nghìn người chết và bị thương, cùng với việc nhà hoạt động vì dân chủ Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia.
Theo các nguồn tin của Reuters (Anh), Myanmar được mời tham gia Cobra Gold sau những đợt vận động hành lang dồn dập của Thái Lan - nước đồng tổ chức đợt tập trận.
Giới quan sát cho rằng, lời mời của Mỹ cũng là minh chứng nói lên sự thay đổi chính sách của chính quyền Obama trong năm nay: chuyển trọng tâm từ Iraq và Afghanistan sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Nếu có một quyết định nhằm tiến tới trao đổi hoạt động quân sự với Myanmar, thì chúng tôi sẽ được chuẩn bị để hỗ trợ tốt nhất có thể”, Đô đốc hải quân Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói với các phóng viên tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi đầu tuần.
Đợt diễn tập quân sự thường niên Cobra Gold sẽ diễn ra ở tỉnh Chon Buri, nằm ở phía đông Bangkok - nơi từng là căn cứ quân sự của Mỹ.
Năm ngoái, khoảng 10.000 binh lính Mỹ tham gia tập trận Cobra Gold kéo dài 3 tuần cùng 3.400 quân nhân Thái Lan. Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc cũng tham gia diễn tập. Trung Quốc nằm trong số 9 nước quan sát viên.
“Trước đây, Myanmar luôn khó chịu với Cobra Gold, vì cho rằng đợt tập trận này trực tiếp chống lại họ và là bước chuẩn bị cho một sự xâm lược”, TS. Tin Maung Maung Than, nghiên cứu sinh cao cấp ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore và là chuyên gia nghiên cứu quân sự Myanmar, nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng, Washington đang đi quá nhanh trong việc tìm cách thay đổi một quân đội bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nhiều lần ở các khu vực thiểu số như ở bang Kachin ở miền bắc Myanmar, khiến hàng chục nghìn người phải chuyển nơi sinh sống chỉ sau 16 tháng chống cự.
Lời mời Myanmar được đưa ra sau chuyến thăm trong tuần qua của phái đoàn do Michael Posner, quan chức nhân quyền cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, tới thủ đô Naypyitaw của Myanmar.
Phái đoàn còn có sự góp mặt của Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Vikram Singh và một số quan chức quân sự khác.
Đại diện của Myanmar tham dự các cuộc đối thoại với Mỹ là Thứ trưởng Quốc phòng Commodore Aung Thaw.
Báo chí nhà nước Myanmar viết: “Hai bên đối thoại về mức độ và hoạt động của các đơn vị quốc phòng của Myanmar và Mỹ, cũng như trao đổi quan điểm về hợp tác song phương và các cuộc đối thoại trong tương lai”.
Các quan chức Mỹ ở Bangkok và Washington từ chối bình luận về những điều này.
Từng khăng khít trong quá khứ
Có thời kỳ, Myanmar cử số lượng quan chức tới Mỹ để đào tạo nhiều hơn hẳn các nước khác. Hơn 1.200 cán bộ được đào tạo tại Mỹ từ khi Myanmar giành độc lập từ tay Anh năm 1948 đến cuộc đảo chính của quân đội do tướng Ne Win cầm đầu năm 1962.
Theo các nhà phân tích, cuộc đảo chính của tướng Ne Win dẫn tới gần nửa thế kỷ bị cô lập và sự ra đời của nền cai trị của quân đội, nhưng Mỹ vẫn duy trì ràng buộc quân sự với Myanmar để ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản từ nước láng giềng Trung Quốc.
Giai đoạn 1980-1988, có 255 quan chức Myanmar tốt nghiệp tại Mỹ theo chương trình đào tạo quân sự quốc tế. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Chương trình này bị tạm dừng và Mỹ áp lệnh cấm vận với Myanmar, sau khi quân đội đàn áp cuộc biểu tình năm 1988 và từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử phổ thông mà bà Suu Kyi giành thắng lợi hai năm sau đó.
Mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu ấm hơn sau chuyến thăm lịch sử của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Myanmar vào tháng 11 năm ngoái.
Bà Clinton nói với Tổng thống Thein Sein về việc tìm kiếm hài cốt của binh lính Mỹ thiệt mạng trong Thế chiến II.
Gia Tùng
Tổng hợp