Mỹ lo ngại sự hiện diện quân sự Trung Quốc ở Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Campuchia Hun Sen chào đón Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Ảnh: APF Magazine
Thủ tướng Campuchia Hun Sen chào đón Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Ảnh: APF Magazine
TP - Thăm Campuchia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở nước này, thúc giục Phnom Penh “duy trì chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng”.

Bà Wendy Sherman cũng đề nghị Campuchia giải thích rõ lý do phá dỡ các tòa nhà do Mỹ tài trợ xây dựng tại căn cứ hải quân Ream, Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman cũng đã hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Năm ngoái, Lầu Năm Góc nói rằng, họ lo lắng trước thông tin tổng hành dinh chiến thuật của Hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream bị dỡ bỏ và đề nghị Campuchia giải thích. Tòa nhà dài gần 30m, chứa một số tàu tuần tra cỡ nhỏ. Hồi tháng 10/2020, Campuchia giải thích, họ san ủi tòa nhà để mở rộng căn cứ và sẽ di dời cơ sở bị phá dỡ ra nơi khác. Campuchia phủ nhận sự dính dáng của Trung Quốc trong việc phá bỏ tòa nhà do Mỹ tài trợ xây dựng.

Theo Reuters, Campuchia nằm ở vị trí chiến lược bên vịnh Thái Lan, là thành viên của ASEAN, trong khi Washington coi việc tăng cường hợp tác với ASEAN là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực đối phó ảnh hưởng khu vực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tham gia một dự án cải tạo quy mô lớn ở căn cứ hải quân Ream. Phát ngôn viên cũng nói rằng, “các báo cáo đáng tin cậy” cho thấy dự án bao gồm một khu vực hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.

“Thứ trưởng Sherman bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc và việc xây dựng các cơ sở ở căn cứ hải quân Ream. Bà đề nghị làm rõ việc phá dỡ hai tòa nhà do Mỹ tài trợ xây dựng tại Ream mà không thông báo hoặc giải thích. Bà nhận thấy rằng, một căn cứ quân sự Trung Quốc ở Campuchia sẽ làm tổn hại chủ quyền của Campuchia, đe dọa an ninh khu vực và ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ-Campuchia”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Báo Hong Kong South China Morning Post nhận định, Trung Quốc càng lúc càng trở thành đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng của Campuchia. Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi trông thấy trong những năm gần đây, về các vấn đề như nhân quyền, thương mại, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương (đều thuộc Trung Quốc), sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông…

Người phát ngôn của Chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, thúc giục Mỹ đối thoại với Campuchia. “Có một số vấn đề Mỹ chưa hiểu rõ về Campuchia và Campuchia chưa hiểu rõ về ý định của Mỹ”, ông Siphan nói.

“Đến lúc cài đặt lại quan hệ”

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Sherman diễn ra cùng thời điểm Thủ tướng Campuchia đăng trên mạng xã hội một chuyên mục của thông tấn xã nước này với nội dung “đã đến lúc Mỹ và Campuchia, dưới cái bóng của Trung Quốc, cài đặt lại quan hệ”, báo Úc The Sydney Morning Herald đưa tin ngày 1/6. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh bày tỏ ủng hộ Bắc Kinh hỗ trợ tài chính để Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân ở tỉnh ven biển Sihanoukville; nhưng phủ nhận thông tin rằng, Trung Quốc sẽ được ưu tiên tiếp cận cảng chiến lược trọng yếu bên bờ vịnh Thái Lan.

GS John Blaxland (Đại học Quốc gia Úc) cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không chỉ trích Thủ tướng Hun Sen về vấn đề dân chủ, nhân quyền, mà chỉ nỗ lực tham gia các hoạt động giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Campuchia. GS Blaxland cho rằng, con trai cả của Thủ tướng Hun Sen, tướng Hun Manet, người từng tốt nghiệp học viện quân sự West Point nổi tiếng của Mỹ, có thể là một nhân vật quan trọng giúp cải thiện quan hệ song phương.

Đầu tháng 6, bà Sherman dừng chân ở một số nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan, nhưng chuyến thăm Campuchia được nhiều người quan tâm nhất trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Blaxland cho rằng, trong Chính phủ Campuchia hiện có một số tiếng nói tuy không mạnh mẽ nhưng có sức ảnh hưởng; họ thể hiện sự không thoải mái với mức độ phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc. Trung Quốc đã đổ hàng tỷ đô la vào Campuchia thông qua các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai-Con đường”, chủ yếu ở Sihanoukville. Những năm gần đây, hàng chục sòng bài mọc lên ở Sihanoukville để phục vụ du khách Trung Quốc.

Theo The Sydney Morning Herald, trong khi một số người Campuchia phản đối tình trạng công nhân Trung Quốc tràn sang Sihanoukville làm việc, sự phát triển nóng của casino…, Phnom Penh được hưởng lợi từ sự tài trợ của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Campuchia hiện là nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, báo Úc đưa tin. Campuchia sử dụng vắc-xin Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc.

MỚI - NÓNG