Mỹ lo công cụ giá trần sẽ phản tác dụng với Nga sau quyết định của OPEC+

TPO - Một số quan chức chính quyền Mỹ đang lo rằng kế hoạch của họ về việc áp trần giá lên dầu mỏ của Nga có thể phản tác dụng, sau khi liên minh xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng, Bloomberg dẫn nguồn tin nắm được tình hình cho biết.

Một cơ sở khai thác dầu ở tây Siberia. (Ảnh: Getty)

Kế hoạch phương Tây là giữ nguồn cung dầu mỏ từ Nga đủ ở mức ổn định, để ngăn tình trạng giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, kế hoạch này phức tạp ngay từ đầu và trở thành chủ đề ngoại giao căng thẳng với các đồng minh châu Âu. Triển vọng thực thi càng trở nên mờ mịt sau khi OPEC+ quyết định giảm khai thác 2 triệu thùng dầu/ngày, bắt đầu từ tháng 11.

Những người nắm được tình hình cho biết kế hoạch áp giá trần vẫn được xúc tiến và nhận được nhiều ủng hộ trong chính quyền và đồng minh. Đề xuất này được đánh giá là lựa chọn tốt nhất trong số những đề xuất được trình lên nhằm giảm bớt doanh thu của Nga từ dầu mỏ.

Tuy nhiên, một số quan chức lo ngại việc OPEC+ giảm sản lượng sẽ làm tăng tính biến động của thị trường, và việc áp trần giá lên dầu Nga sẽ càng khiến mặt hàng cơ bản này đắt đỏ hơn.

Các quan chức chính quyền Mỹ cũng lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đáp trả bằng cách giảm nguồn cung.

Giá dầu Brent được bán với giá 92,4USD/thùng trên thị trường châu Á ngày 13/10. Giá dầu năm nay biến động mạnh, tăng vọt lên 140USD sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, rồi giảm mạnh trong quý 3 vì những lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Novak nói sau cuộc họp của OPEC+ tuần trước rằng “áp trần giá là một tiền lệ rất xấu và sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến những người thực hiện nó. Cơ chế này hoàn toàn không thể chấp nhận đối với Nga”.

Ông Putin tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất kỳ nước nào tham gia kế hoạch áp trần giá.

Quyết định của OPEC+ vấp phải phản ứng giận dữ của Mỹ. Tổng thống Joe Biden cáo buộc Ả-rập Xê-út đứng về phe Nga để đưa ra quyết định này. Một số nghị sĩ Dân chủ cho rằng thời điểm cắt giảm sản lượng được lựa chọn để gây hại cho đảng này trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng.

EU đã cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga và sẽ cấm các công ty cung cấp dịch vụ tài chính hay bảo hiểm cho những hãng vận tải biển chở dầu của Nga, bắt đầu từ ngày 5/2 đối với dầu thô và từ 5/2 năm sau đối với các sản phẩm tinh chế. EU cũng sẽ cấm các công ty của họ cung cấp dịch vụ vận tải cho dầu Nga, phụ thuộc vào việc G-7 triển khai chính sách áp trần giá.

Cơ chế trần giá sẽ cho phép khách hàng mua dầu Nga sử dụng dịch vụ của châu Âu, chỉ khi giá mua của họ thấp hơn mức giá trần do Mỹ và châu Âu đề ra. Mức trần đó chưa được xác định là bao nhiêu. Các cuộc bàn bạc chi tiết về cơ chế mới dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Theo Bloomberg