Nguồn tin cho biết, các tài liệu thiết kế đã được hoàn tất và việc chế tạo các bộ phận cấu thành cũng chính thức được triển khai. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào dự án kết thúc, cũng như thời điểm đoàn tàu tên lửa này được phiên chế trong quân đội Nga. Thông tin trước đó cho thấy, đoàn tàu Barguzin do Viện Thiết kế công nghệ nhiệt Moskva nghiên cứu và phát triển. Đây cũng chính là đơn vị từng cho ra lò các vũ khí hiện đại, uy lực của Nga như tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava, Topol và Yars.
Việc chế tạo đoàn tàu mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được Liên Xô tiến hành từ những năm 1960. “Đoàn tàu chết chóc” được trình làng lần đầu tiên vào năm 1987. Đến năm 1994, đã có tổng số 12 đoàn tàu kiểu này được đưa vào biên chế; mỗi tàu gồm 3 bệ phóng ICBM được ngụy trang như tàu chở hàng thông thường. Ưu điểm lớn nhất của đoàn tàu hạt nhân là tính cơ động cao, có khả năng di chuyển hàng trăm kilomet.
Theo Hiệp định START-2 ký năm 1993 giữa Nga và Mỹ, Nga buộc phải dỡ bỏ các đoàn tàu tên lửa này khỏi hoạt động tác chiến trong vòng 10 năm. Hệ quả là tất cả số tàu kèm bệ phóng này bị thải loại trong quãng thời gian từ 2003 - 2007, ngoại trừ 2 tổ hợp sau đó được đem ra trưng bày tại nhà ga Warsaw ở St. Petersburg và Bảo tàng kĩ thuật AvtoVAZ.
Hiệp định START-3 năm 2011 không có điều khoản nào quy định cấm nghiên cứu, phát triển loại hình vũ khí này. Đến năm 2014, Tư lệnh lực lượng Tên lửa chiến lược Sergei Karakayev cho biết Nga bắt đầu xây dựng đoàn tàu hạt nhân Barguzin, sau bước hoàn tất thiết kế kỹ thuật. Theo ông Karakayev, tính năng kĩ chiến thuật của đoàn tàu Barguzin sẽ vượt xa những “người tiền nhiệm” và sẽ phục vụ trong quân đội Nga ít nhất là đến năm 2040.
Nguồn tin quân sự mà TASS có được cho biết, một đoàn tàu Barguzin sẽ được trang bị 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars-M (RS-24) được phát triển trên nền tảng các dòng Yars trước đó. Một sư đoàn Barguzin sẽ gồm có 5 trung đoàn. Nga từng dự kiến sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên vào hoạt động vào năm 2019-2020.
Thông tin về dự án của Nga xuất hiện đúng thời điểm Mỹ chính thức kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, với việc đưa vào sử dụng lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD tại căn cứ không quân Deveselu, Romania hôm 12/5. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work lý giải, bước đi này là để bảo vệ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Iran. Ông Work cũng nói rằng, hệ thống mới không nhằm chống Nga vì Mỹ không có ý định làm vậy.
Về phần mình, Nga tỏ rõ thái độ phản đối bước đi này này. "Ngay từ khi bắt đầu toàn bộ câu chuyện này, chúng tôi đã nói rằng, theo quan điểm của các chuyên gia Nga, chúng tôi tin rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thực sự là một mối đe dọa đối với an ninh của Nga", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu trước báo giới. Ông đồng thời cảnh báo Nga sẽ thực hiện các giải pháp cần thiết bảo đảm an ninh quốc gia, đáp trả lá chắn của Mỹ ở châu Âu.