Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Phạm Phú Phúc, một nhà báo từng nhiều năm công tác tại Trung Đông.
Ông Phạm Phú Phúc: Trước hết, phải nhìn nhận việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh sát hại tướng Soleimani là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của một quốc gia độc lập là Iraq. Anh không có cớ gì mà nã tên lửa vào nhà người ta. Chuyện anh đóng quân chỉ là thỏa thuận giữa anh với chính phủ ấy, việc anh tấn công vào mục tiêu nào đó trên đất người ta mà không được chủ nhà cho phép thì đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền.
Ông Soleimani thiệt mạng là nỗi đau và sự thiệt hại lớn đối với Iran. Ông trở thành tư lệnh đơn vị tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran năm 1998, được người Iran, nhiều người ở Trung Đông và thậm chí ở Mỹ coi là bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng không có danh của Iran. Ông ấy là người hoạch định và thực thi chính sách ngoại giao, quân đội và quốc phòng của Iran, đặc biệt ở khu vực Trung Đông. Việc Mỹ không kích sát hại ông ấy là một đòn rất đau, không thể tưởng tượng nổi đối với Iran. Vì thế, việc Iran trả đũa là đương nhiên.
Nhưng theo tôi, kể cả sự khiêu khích của Mỹ lẫn đáp trả của Iran cũng có điểm dừng, khó có khả năng hai bên đẩy thành chiến tranh trực tiếp. Trên thực tế, Mỹ và Iran đều đang gặp những vấn đề không thuận lợi riêng của mình. Ông Trump không được lòng cử tri và quốc hội nếu gây chiến thêm. Ông Trump sắp bước vào cuộc bầu cử, và chuyện tấn công vào Iraq vừa qua trái với lời hứa của ông ấy trong mùa tranh cử nhiệm kỳ đầu là không mở rộng chiến tranh ra nước ngoài.
Còn Iran đang đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế, vấn đề nội bộ và trật tự an ninh trong nước. Dư luận quốc tế không ủng hộ, kể cả những nước Trung Đông thù địch với Iran và đồng minh với Mỹ cũng lo ngại cuộc chiến lớn xảy ra. Vì thế, tôi không nghĩ hai bên sẽ đẩy lên thành một cuộc chiến trực tiếp.
Theo ông, tình hình khu vực hiện nay tác động đến các bên liên quan như thế nào?
Căng thẳng hiện nay sẽ tác động đến nhiều bên như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, cũng như những tổ chức khủng bố ở khu vực.
Nga đang ở thế thượng phong lại càng có lợi thế hơn sau khi chính sách Trung Đông của Mỹ liên tiếp thất bại.
Ông dự đoán bước đi tiếp theo của Tổng thống Trump như thế nào?
Rất khó dự báo về tình hình Trung Đông và chính sách của ông Trump vì đều dễ thay đổi. Theo tôi, sự kiện ngày 8/1 này có thể Mỹ không đáp trả, mà chỉ giữ ở mức như hiện nay, nghĩa là cứ phản ứng nhưng không có chuyện đánh vào 52 mục tiêu như ông Trump nói. Với Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif hôm qua tuyên bố nước này đã kết thúc sự trả thù. Có vẻ hai bên đều muốn dừng lại ở mức hiện nay. Iran không thể không trả thù vụ Soleimani vì sợ mất mặt, nhưng cũng khó có khả năng đánh mạnh.
Cảm ơn ông.
Máy bay Ukraine rơi ở Iran, 176 người tử nạn
Một chiếc máy bay Boeing 737, được nói là xuất xưởng năm 2016, chở 176 hành khách và phi hành đoàn rơi xuống đất ngay sau khi cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở thủ đô Tehran của Iran sáng sớm 8/1 (giờ địa phương). Đài truyền hình nhà nước Iran cho biết, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Theo CNN, Đại sứ quán Ukraine ban đầu ra thông cáo báo chí nói nguyên nhân khủng bố hay trúng rocket bị loại bỏ, nhưng sau đó nói lại, rằng nguyên nhân vụ việc đang được xác minh. Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko viết trên Twitter rằng, các nạn nhân bao gồm 82 người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, bốn người Afghanistan, ba người Đức và ba người Anh.
Ngày 8/1, sau khi có tin Iran tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, giá vàng châu Á tăng gần 2,5% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce trong gần bảy năm qua.
L.A