Bắc Kinh đã áp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm, một loại nguyên liệu rất quan trọng dùng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và công nghiệp “xanh”, trong xe hơi, sản xuất thiết bị máy móc, hóa chất và thép.
Theo đó, trong năm 2010, Trung Quốc áp dụng giảm hạn ngạch xuống 32% đối với các công ty nội địa và 54% cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên Mỹ, Nhật Bản và EU cùng đâm đơn kiện lên WTO. Ba nước này lập luận rằng việc áp hạn ngạch xuất khẩu lên đất hiếm của Trung Quốc, nơi sản xuất đến 97% đất hiếm của toàn thế giới, làm đẩy giá của đất hiếm lên cao.
Theo EU, đất hiếm không thể thay thế được trừ khi phải thay đổi toàn bộ công nghệ sản xuất và do đó sản phẩm có giá thành cao hơn rất nhiều, “việc đất hiếm không sẵn có sẽ dẫn đến sự gián đoạn của toàn bộ chuỗi giá trị”.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này và cho biết mục đích của việc áp hạn ngạch là để giảm tác động xấu lên môi trường vì khai thác quá mức. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin nói: “Chúng tôi cho rằng chính sách này phù hợp với quy định của WTO. Hoạt động xuất khẩu đất hiếm hiện nay khá ổn định. Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu và quản lý đất hiếm dựa trên các quy tắc của WTO”.
Tuy nhiên, theo Đại diện Thương mại Hoa Kì, “vì Trung Quốc là nhà sản xuất toàn cầu cho các yếu tố đầu vào quan trọng, chính sách này làm tăng giá nguyên liệu đầu vào ở các nước khác trong khi làm giảm giá nguyên liệu đầu vào ở Trung Quốc. Điều này tạo ra lợi thế đáng kể cho Trung Quốc trong việc cạnh tranh với các nhà sản xuất Mỹ”.
Trung Quốc sẽ có 10 ngày để phản ứng lại vụ kiện và sẽ phải đàm phán với các bên liên quan trong vòng 2 tháng.
Phan Yến
Theo CNN