Mỹ dọa tấn công quân sự Syria: 'Bom hẹn giờ' khó nổ

Xe tăng Syria trong chiến dịch chiếm lại Đông Ghouta. Ảnh: Getty Images.
Xe tăng Syria trong chiến dịch chiếm lại Đông Ghouta. Ảnh: Getty Images.
TP - Sau những cáo buộc ầm ĩ về một vụ được cho là tấn công bằng vũ khí hoá học ở Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư trong vòng 48 giờ (kết thúc vào đêm 12/4 giờ Mỹ) sẽ quyết định có tấn công các căn cứ của Syria hay không. Một chuyên gia Việt Nam về Trung Đông đánh giá, Mỹ đối mặt quá nhiều rủi ro nếu ra tay quá mạnh và trực diện.

Ngày 12/4, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc, một nhà báo có thâm niên công tác gần 15 năm tại Syria và Ai Cập, để đánh giá về khả năng Mỹ tấn công quân sự Syria trên quy mô lớn.

Tình hình đã khác xưa

Ông đánh giá như thế nào về khả năng Mỹ và các đồng minh sẽ thực sự tấn công quân sự Syria?

Ông Phạm Phú Phúc: Dù Mỹ và các đồng minh cố làm ồn ào vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà người ta cáo buộc Syria thực hiện nhưng khó có khả năng tấn công quân sự quy mô lớn, ồ ạt vào Syria. Vì Mỹ từng sa lầy ở nhiều chiến trường Trung Đông nên sẽ không muốn sa lầy lần nữa. Thời điểm này cũng khác thời điểm năm 2015 khi Tổng thống Mỹ hồi đó là ông Barack Obama định tấn công Syria cũng vì vấn đề vũ khí hóa học. Quan hệ Mỹ - Nga khi đó không quá căng thẳng, quan hệ Mỹ - Iran cũng tốt vì sắp đến thời điểm ký thỏa thuận hạt nhân P5+1.

Hiện nay, Mỹ và Nga đang đấu nhau, quan hệ Mỹ - Iran cũng rất xấu. Vì thế, nếu Mỹ tấn công Syria bây giờ đương nhiên sẽ kéo Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt quốc gia khác nữa vào, dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực, thậm chí một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Những điều này sẽ khiến Mỹ phải dừng chân trước khi hành động. Lý do thứ nữa là bên trong nước Mỹ, nhiều cử tri và chính trị gia Mỹ không ủng hộ điều này, trừ các nhà quân sự và Lầu Năm Góc. Ông Trump từng tuyên bố sẽ không đưa nước Mỹ đi chinh chiến ở đâu nữa, nên nếu tấn công Syria sẽ là đi ngược lại lời hứa với cử tri.

Nhưng năm ngoái ông Trump từng bất ngờ hạ lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria, cho thấy không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tấn công?

Đúng vậy. Những điều tôi nói ở trên là khả năng tấn công quy mô lớn, tấn công phối hợp, ồ ạt. Còn khả năng bắn tên lửa như vào tháng 4 năm ngoái cũng có thể diễn ra, nhưng cũng thấp, mà khả năng cao hơn là Mỹ sẽ mượn tay người khác như Israel như vừa qua. Không chỉ tôi mà nhiều nhà phân tích nhận định Mỹ khó có khả năng trực tiếp tham chiến lần này.

Mỹ dọa tấn công quân sự Syria: 'Bom hẹn giờ' khó nổ ảnh 1 Chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc. Ảnh: Thu Loan.

Thực hư vụ tấn công bằng vũ khí hóa học

Mỹ và đồng minh cáo buộc quân đội Syria gây ra vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, phía đông thành phố Ghouta. Theo ông, thực hư câu chuyện này là như thế nào?

Đúng là Mỹ và các đồng minh phương Tây đang cáo buộc rất quyết liệt quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Douma. Nhưng chúng ta cần đánh giá cáo buộc này dựa trên thực tế. Trong bối cảnh quân đội Syria được Nga và Iran ủng hộ đang ở thế thắng áp đảo và Ghouta gần như là chiến trường cuối cùng ở Syria thì việc gì quân đội Syria phải sử dụng vũ khí hóa học khi quân đối phương đã bị dồn vào chân tường.

Thứ hai, Tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học nhiều lần thừa nhận  rằng sau khi ông Obama dọa đánh Syria vào tháng 9/2015 rồi sau đó Nga đưa ra sáng kiến đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình thì vũ khí hóa học đã được đưa ra khỏi Syria. Một tướng cấp cao quân đội Nga cách đây khoảng 2 tuần đưa ra cảnh báo rằng, trong một gói “viện trợ” mà Mỹ và phương Tây gửi đến Syria thông qua tổ chức Mũ sắt trắng có chứa chế phẩm để chế tạo vũ khí hóa học. Vì thế, việc cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học có thể là cách dựng chuyện. Có thể có vũ khí hóa học đấy, nhưng ai sử dụng thì không thể kiểm chứng được trong tình hình Syria hiện nay.

Một số nước đã quen với việc tạo cớ để khơi mào cho chiến dịch quân sự lớn nào đó ở nơi mà họ không hài lòng. Nhất là ở Syria, khi các lực lượng được Mỹ chống lưng đang bị dồn vào chân tường. Họ có thể làm như vậy là để chặn đứng đà thắng lợi của quân đội Syria, Nga và Iran ở Syria. Một điều rất quan trọng nữa là làm bẽ mặt Nga, sau vụ cáo buộc Nga đứng sau vụ hạ sát cha con điệp viên hai mang người Nga trên đất Anh gần đây.

Theo ông, việc ông Trump đột nhiên có những hành động quyết liệt với Syria có liên quan gì đến tình hình nội bộ nước Mỹ không?

Ông Trump được đánh giá là người dễ thay đổi, hay đưa ra những quyết định mang tính tức thì. Tại sao Mỹ dọa đánh Syria, hãy nhìn vào nội bộ nước Mỹ, những quyết định của Donald Trump trong những ngày gần đây. Ngày 1/4, ông Trump nói rằng Mỹ sẽ rút chân khỏi Syria, ngay lập tức nước đồng minh Ả-rập Xê-út tuyên bố cũng sẽ làm như vậy. Ngay sau đó, Lầu Năm Góc và các nhà quân sự Mỹ phản đối rất mạnh mẽ. Cần nhớ rằng, Tháp Trump ở New York bị cháy trên tầng 50 hôm 7/4 là một lời cảnh báo Tổng thống Trump rằng nếu ông cứ làm trái ý của các nhà quân sự thì sẽ lãnh đủ hậu quả. Sau vụ cháy, ông Trump thay đổi ngay quyết định rút quân khỏi Syria, bằng việc dọa tấn công Syria trong 24 giờ tới.

Thứ hai, việc ông Trump vào Nhà Trắng vấp phải cáo buộc rằng có sự giúp sức của nước Nga. Sau khi vào Nhà Trắng, những tuyên bố đầu tiên của ông Trump là sẽ cải thiện quan hệ với nước Nga đã bị phản đối mạnh. Mọi người thấy rằng nếu ông Trump cải thiện quan hệ với Nga và cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin thì lời buộc tội đó đúng, vì thế việc ông ấy có ngồi được ở Nhà Trắng đến hết nhiệm kỳ hay không còn bị lung lay. Vì thế, ông ấy phải thay đổi bằng việc gây hấn với Nga. Trong vấn đề Syria này cũng vậy, khi Nga đang thắng thế ở đó, ông Trump phải chặn đứng chiến thắng đang đến gần của Nga để chứng tỏ rằng ông ấy ngồi vào Nhà Trắng không liên quan gì đến Nga. Việc ông Trump dọa tấn công Syria cũng để thỏa lòng các nhà quân sự Mỹ, giới diều hâu Mỹ và cũng để thỏa lòng một bộ phận không nhỏ chính trị gia và cử tri Mỹ trước đó từng chỉ trích ông Obama quá nhún nhường.

Tất cả đều thua…

Nếu thực sự tấn công Syria, Mỹ sẽ được gì và đối mặt rủi ro gì? Cục diện Syria sẽ diễn biến theo hướng nào và tác động gì đến các bên liên quan, theo ông?

Các bên đều thua trong mọi cuộc chiến tranh. Kể cả bên thắng cũng mất. Chiến tranh là tàn phá, là chết chóc, là chia rẽ, là tan đàn xẻ nghé. Nước Mỹ cũng sẽ lãnh hậu quả ấy. Mỹ từng mất cả nghìn tỷ USD cho chiến trường Iraq và Afghanistan. Mỹ sẽ chịu rủi ro cả về kinh tế, về mạng sống và cả rủi ro về chính trị, về hình ảnh nước Mỹ. Không có gì bảo đảm Mỹ sẽ thắng nếu đưa quân đến Syria vì Mỹ có thể không đủ sức để đương đầu, đủ yếu tố bảo đảm thắng lợi nếu can dự trực diện ở Syria. Nếu xảy ra một cuộc chiến ở Syria thì nước này sẽ bị băm nhỏ khi mỗi phe phái, mỗi tổ chức ở Syria hiện nay sẽ chiếm một khu vực, giống như ở Yemen bây giờ. Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị thiệt hại theo. Mâu thuẫn ở khu vực Trung Đông sẽ phức tạp hơn, kéo nền kinh tế thế giới xuống. Thế giới trở lại Chiến tranh Lạnh là đương nhiên.

Ông có thể nói về vai trò của Iran và Ả-rập Xê-út trong câu chuyện này ở Syria?

Ả-rập Xê-út bấy lâu nay theo đuổi mục tiêu lật đổ bằng được Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ủng hộ các phe đối lập. Từ thời cha của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã mâu thuẫn với Ả-rập Xê-út khi Ả-rập Xê-út ủng hộ người em cùng cha khác mẹ của cha ông Assad. Mâu thuẫn đó vẫn tồn tại đến bây giờ nên Ả-rập Xê-út ủng hộ các phe phái để lật đổ bằng được Bashar al-Assad. Iran lại ủng hộ Bashar al-Assad. Iran và Ả-rập Xê-út là kẻ thù không đội trời chung của nhau, thể hiện rõ nhất ở Yemen hiện nay.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.