Chuyện Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (trong bài gọi tắt là Mỹ Đình) làm “xã hội hóa” không mới, bởi đã được phản ánh trên nhiều phương tiện truyền thông. Năm 2011, Bộ VH-TT&DL chấp thuận cho Mỹ Đình thí điểm thực hiện liên danh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất, tiến tới tự chủ nguồn thu. Qua năm 2012, Mỹ Đình chính thức được bộ chủ quản cho tự chủ về tài chính. Cũng từ đây, việc làm ăn của cụm công trình thể thao triệu đô này thường xuyên trở thành vấn đề khiến dư luận lo lắng.
Mở quán nhậu, massage để phục vụ thể thao?
Dưới sự cho phép của Bộ VH-TT&DL mà trực tiếp là nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Ban quản lý Mỹ Đình đã cho hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thuê mặt bằng để mở hoạt động kinh doanh: garage ô tô, quán nhậu, quán cà phê và cả dịch vụ massage.
Theo phản ánh, Ban quản lý Mỹ Đình đã cho nhiều đơn vị thuê mặt bằng xây dựng các công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, không đảm bảo các điều kiện như mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Việc vi phạm diễn ra công khai và ngày càng có chiều hướng gia tăng, tới mức vào tháng 10/2015, UBND quận Nam Từ Liêm đã phải đánh công văn cho Mỹ Đình, đồng thời gửi lên cả Bộ VH-TT&DL để yêu cầu chấn chỉnh. Tuy nhiên, Mỹ Đình tới thời điểm hiện tại, tức là đã tròn năm, vẫn rất lộn xộn, mất mỹ quan.
Theo quan sát của phóng viên chiều 13/10, các cụm công trình thể thao Mỹ Đình vẫn bị bao vây bởi vô số hàng quán, dịch vụ. Bên phải cổng chính sân Mỹ Đình trên đường Lê Quang Đạo, “chình ình” một khu “ẩm thực phố cổ”, kéo sâu vào phía bên trong khuôn viên sân. Ngay kề bên, Mỹ Đình cho mở công trình mang tên “Khu tập luyện và dịch vụ thể thao”. Tuy nhiên, phía trong cơ sở này đập vào mắt người qua lại là một quán bia, phục vụ cho chuyện ăn nhậu. Đối diện đó, Cung thể thao dưới nước cũng bị che kín bởi một quán cà phê lớn. Diện tích phía ngoài được Mỹ Đình cho thuê để đặt cây cảnh. Một người dân ở đây cho biết, thời gian trước ở đây còn có chỗ cho trẻ em vui chơi, nhưng hiện do vướng cây xanh, quán xá, dân xung quanh đành phải “nhịn”.
Trong các lần bị chất vấn trước đây, ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Mỹ Đình đều khẳng định hoạt động kinh doanh của đơn vị mang tính chất xã hội hoá, nhằm hướng tới tự chủ thu-chi. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong vấn đề này, nhiều người trong ngành thể thao cho rằng, Mỹ Đình đang hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai chủ trương xã hội hóa.
“Trên thực tế Mỹ Đình đang sử dụng quỹ đất, cơ sở vật chất phục vụ thể thao để kiếm tiền. Trong khi chức năng chính của Mỹ Đình phải là phục vụ hoạt động thể thao”-một quan chức Tổng cục TDTT cho biết. Cũng theo quan chức này, vì chức năng phục vụ thể thao nên Mỹ Đình không thể mải “làm ăn”, lơ là nhiệm vụ chính. Việc Bộ VH-TT&DL cho phép Mỹ Đình tự chủ kinh tế cần hướng tới để Mỹ Đình làm tốt trách nhiệm được giao. Trước đây khi còn trực thuộc Tổng cục TDTT, hoạt động ngoài chuyên môn của Mỹ Đình còn bị hạn chế, nhưng kể từ khi xin được trực thuộc Bộ VH-TT&DL, không còn bị quản lý bởi Tổng cục TDTT, Mỹ Đình thực sự “bung lụa” như trên đã nói.
Thu bạc tỷ vẫn xin tiền
Chẳng hiểu chuyện “tăng thu” của Mỹ Đình đem lại tác dụng tích cực với ngành thể thao ra sao, nhưng nếu nhìn vào quan hệ giữa Mỹ Đình với LĐBĐVN (VFF) nhiều năm gần đây, người ta thực sự phải băn khoăn. Đôi bên liên tục trục trặc chỉ bởi việc Mỹ Đình “hét giá” thuê sân các trận đấu của ĐTQG cao chóng mặt. Không ít lần lãnh đạo VFF, trước đây là nguyên Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, hay hiện nay là ông Lê Hùng Dũng, đều phải than trời vì mức giá “người anh em đưa ra”. Lắm phen, VFF đã phải kêu cứu Bộ VH-TT&DL. Một quan chức VFF hôm qua cho biết, mỗi khi có trận đấu “nóng” được tổ chức tại Mỹ Đình, như chuyến du đấu năm 2013 của CLB Arsenal, hay gần hơn là trận giao hữu với Manchester City năm 2015, ngoài tiền thuê sân, Mỹ Đình còn “đòi” hàng trăm vé mời cùng các quyền lợi khác.
Làm ăn vậy nhưng mỗi khi phải chi các khoản lớn, Mỹ Đình lại xin tiền Bộ VH-TT&DL. Từ năm 2015, Mỹ Đình thực hiện cải tạo đường pist, gồm 2 giai đoạn chống sụt lún và thay thảm cao su bề mặt. Giai đoạn 1 được làm dự toán lên tới 30 tỷ đồng, việc thay thảm cao su cũng mất 20 tỷ đồng. Toàn bộ, đều xin tiền ngân sách. Năm 2016, Mỹ Đình lên kế hoạch thu 43 tỷ đồng và hiện đã được 70-80%. Mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên theo Phó Giám đốc Nguyễn Tuấn Linh, trước mắt Mỹ Đình có thể đảm bảo việc tự chi, về lâu dài thì… chưa rõ.
Để xây dựng Mỹ Đình, nhà nước đã phải chi gần 53 triệu USD. Cụm công trình từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam đang trở nên lem nhem, lộn xộn trong sự bàng quan của ngành thể thao.