Mỹ đề nghị Trung Quốc, Nhật mở kho dự trữ xăng dầu để giảm giá

0:00 / 0:00
0:00
Các thùng chứa xăng dầu trong kho dự trữ của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Các thùng chứa xăng dầu trong kho dự trữ của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
TPO - Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị một số nước tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cân nhắc chuyện mở kho dự trữ xăng dầu để cùng nỗ lực hạ giá năng lượng toàn cầu.

Đề nghị bất thường này được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gặp áp lực chính trị lớn vì giá xăng dầu và những chi phí sinh hoạt cơ bản khác tăng cao trong giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế hậu COVID-19.

Điều này cũng phản ánh sự thất vọng của Mỹ đối với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, khi họ nhiều lần gạt bỏ đề nghị của Washington về việc tăng cường sản lượng khai thác.

Thông tin này đã giúp giá dầu bớt áp lực sau khi đạt mức cao kỷ lục trong 7 năm vào đầu tháng 10 vừa qua.

Trong vài tuần qua, ông Biden và các trợ lý cấp cao đã thảo luận về khả năng cùng các nước Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc cùng mở kho dự trữ xăng dầu, Reuters dẫn các nguồn tin.

Tokyo đã trả lời tích cực với đề nghị này, một nguồn tin tiết lộ. Chưa rõ các nước khác trả lời Mỹ như thế nào.

Riêng Mỹ sẽ cần giải phóng từ 20-30 triệu thùng dầu để có thể tác động lên thị trường. Việc mở kho đó sẽ được thực hiện dưới dạng bán hoặc cho vay từ Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của Mỹ.

SPR được thành lập từ những năm 1970 để bảo đảm Mỹ có đủ nhiên liệu sử dụng nếu xảy ra tình huống bất ngờ.

Nhiều người nắm được vấn đề nói rằng quá trình đàm phán việc mở kho dự trữ chưa được hoàn tất và các bên cũng chưa nhất trí được lộ trình hành động cụ thể để giảm giá.

Nhà Trắng từ chối bình luận về nội dung bàn bạc với các nước.

“Chưa quyết định nào được đưa ra”, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng cho biết.

OPEC, dẫn đầu là Ả-rập Xê-út và các đồng minh với Nga dẫn đầu, đang bổ sung thêm 400.000 thùng dầu thô mỗi tháng cho thị trường, nhưng từ chối lời kêu gọi của ông Biden về việc cần tăng nhanh sản lượng khai thác hơn nữa vì cho rằng sự phục hồi về nhu cầu có thể không chắc chắn.

Ngày 16/11, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết nguồn cung toàn cầu sẽ thặng dư vào tháng 12. “Có những tín hiệu mà chúng tôi phải rất thận trọng”, ông nói với báo chí.

Giá xăng dầu tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến ông Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022, sự kiện sẽ quyết định đảng Dân chủ của ông có giữ được đa số mong manh trong Quốc hội Mỹ hay không.

Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 6,2% trong 12 tháng qua, trong đó giá năng lượng chiếm đến 30%.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG