Mỹ đe dọa không cứu nổi thất bại

Nghị quyết của LHQ không ràng buộc pháp lý nhưng có tính biểu tượng. Ảnh: Getty Images.
Nghị quyết của LHQ không ràng buộc pháp lý nhưng có tính biểu tượng. Ảnh: Getty Images.
TP - Đa số áp đảo thành viên Liên Hợp Quốc ngày 21/12 bỏ phiếu phản đối quyết định của Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp đe doạ của Tổng thống Donald Trump rằng sẽ trả đũa bằng cách cắt viện trợ cho những nước bỏ phiếu chống lại Mỹ.

Kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ là 128 ủng hộ, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng đối với nghị quyết yêu cầu Mỹ huỷ bỏ tuyên bố ngày 6/12 về thánh địa Jerusalem.

Nghị quyết này không có tính ràng buộc nên chủ yếu có tính chất biểu tượng, nhưng kết quả bỏ phiếu cho thấy việc Mỹ từ bỏ quan điểm suốt 50 năm qua về một sự đồng thuận quốc tế đối với địa vị của Jerusalem đã gây mất ổn định cho chính trị thế giới và góp phần dẫn đến sự cô lập ngoại giao đối với Mỹ.

Những đồng minh chính của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, nhưng một số đồng minh khác như Úc và Canada bỏ phiếu trắng.

Thực hiện một lời hứa trước những cử tri ủng hộ, ông Trump đã chấm dứt mấy chục năm chính sách của Mỹ về Jerusalem, làm trầm trọng thêm vấn đề chưa bao giờ hết nóng kể từ chiến tranh Ả-rập – Israel năm 1967 khi Israel chiếm đóng toàn bộ thành phố.

Kể từ đó, nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cảnh báo rằng địa vị của Jerusalem chưa được giải quyết, những tuyên bố chủ quyền của Israel là không có giá trị và vấn đề phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa người Israel và Palestine.

Nghị quyết vừa được thông qua đặt ra những câu hỏi rằng liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa đưa ra trước đó về việc sẽ cắt viện trợ cho những nước bỏ phiếu chống Mỹ. Dù ông có cơ sở pháp lý để làm như vậy nhưng các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để Mỹ cắt viện trợ cho những nước đối tác chiến lược ở Trung Đông như Ai Cập và Jordan.

Israel lên án cuộc bỏ phiếu vừa qua, so sánh đây giống như nghị quyết năm 1975 so sánh chủ nghĩa Do Thái với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng nghị quyết này bị huỷ bỏ 16 năm sau, khi đó Mỹ gây sức ép bằng những cách như doạ cắt đóng góp cho LHQ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, gọi kết quả bỏ phiếu của Đại hội đồng là “vô giá trị” và tuyên bố “không cuộc bỏ phiếu nào tại LHQ sẽ tạo ra khác biệt” trong kế hoạch của Mỹ về việc chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem.

“Chúng tôi sẽ nhớ điều này khi chúng tôi lại nhận được kêu gọi về việc đóng góp nhiều nhất thế giới cho LHQ. Và chúng tôi sẽ nhớ lúc rất nhiều nước đến nhờ chúng tôi, như họ vẫn làm như vậy, để trả nhiều tiền hơn và dùng ảnh hưởng của chúng tôi vì quyền lợi của họ”, bà Haley nói.

Tự làm mình bị thương

Phái đoàn Mỹ tại LHQ nhanh chóng đưa ra tuyên bố nói rằng cuộc bỏ phiếu cũng là một chiến thắng của họ vì kết quả đáng ra có thể nghiêng hơn nữa khi có 35 phiếu trắng, 21 đoàn vắng mặt, và số lượng này không nhỏ so với tổng số 193 thành viên trong LHQ.

Nhưng các tổ chức của người Do Thái ở Mỹ, với quan điểm ủng hộ Israel mạnh mẽ, không nhìn ra điều gì tích cực từ kết quả này. Ông David Harris, Chủ tịch điều hành Ủy ban Do Thái Mỹ, nói rằng ông cảm thấy “kinh hoàng khi đa số thành viên LHQ ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng để lên án việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”.

Các đồng minh lớn của Mỹ như Pháp và Anh giải thích rằng họ chỉ đang tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Jerusalem từ năm 1967 chứ không phải đang tìm cách cô lập Mỹ.

“Điều quan trọng hơn lúc nào hết là phải tập hợp cộng đồng quốc tế quanh những thông số đã được nhất trí về tiến trình hoà bình, và tất nhiên điều này bao gồm cả Mỹ, vì ai cũng hiểu vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với vấn đề này”, Đại sứ Pháp Francois Delattre nói.

Sự bác bỏ mang tính quyết định trước sự thay đổi quan điểm của Mỹ về Jerusalem tại vũ đài ngoại giao lớn nhất thế giới được coi là bước lùi đối với vị tổng thống đang tìm cách đạt được một thành tựu đối ngoại lớn sau gần 1 năm cầm quyền. Điều này cũng sẽ làm căng thẳng hơn quan hệ giữa ông Trump với LHQ, một tổ chức từng bị Tổng thống Mỹ ví như câu lạc bộ bóng đá, giới quan sát nhận định.

“Tôi nghĩ đây là vết thương tự gây ra khá nghiêm trọng và thực sự là cách ngoại giao vụng về, không cần thiết của Mỹ”, New York Times dẫn lời ông Stewart M. Patrick, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại.

“Trong trường hợp này, điều bạn thấy là chính quyền Trump cơ bản đang thay đổi luật chơi mà cộng đồng quốc tế đã chấp nhận. Hơn thế nữa, tôi nghĩ nó biểu trưng cho một sự tự đánh bại của Mỹ”, ông Patrick nói.

Theo Theo New York Times, Guardian
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.