Dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ sang Cuba là bà Roberta Jacobson, trợ lý ngoại trưởng Mỹ. Trong khi đó, phái đoàn Cuba sẽ do giám đốc phụ trách các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ ngoại giao Cuba Josefina Vidal đứng đầu.
Cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị Havana, thủ đô Cuba sau 5 tuần tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng thời thông báo nhất trí bình thường hoá quan hệ hôm 17/12.
Ngày đầu tiên của cuộc đàm phán (21/1), hai bên sẽ tập trung vào vấn đề nhập cư và ngày thứ 2 (22/1) sẽ thảo luận tiến trình thiết lập lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán ở hai nước.
Ông Peter Schecher, chuyên gia về Mỹ Latinh thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu chính sách của Mỹ nhận định rằng: “Chuyến đi của bà Jacobson sẽ là một sự kiện lịch sử, mang đến nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cũng không nên hy vọng rằng sẽ có ‘điều kỳ diệu’ xảy ra”.
Đối với Cuba, bên cạnh việc bình thường hoá quan hệ, cuộc đàm phán này là cơ hội để nước này yêu cầu Mỹ loại Cuba ra khỏi danh sách đen của Bộ Ngoại giao Mỹ (danh sách các nước hỗ trợ khủng bố).
Trong khi đó, Mỹ cũng sẽ đưa vào nội dung cuộc đàm phán các vấn đề về quyền tự do cá nhân, tình trạng của căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Guantanamo, phía đông Cuba và việc đền bù cho tài sản của các công ty Mỹ bị quốc hữu hóa tại Cuba sau cách mạng năm 1959.
Đối với Cuba, cuộc đàm phán này là cơ hội để nước này yêu cầu Mỹ loại Cuba ra khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố
Trong một diễn biến mới đây, Mỹ đã chính thức nới lỏng một số lệnh cấm vận thương mại, du lịch và tài chính đối với Cuba từ hôm 16/1.
Theo những quy định mới do Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ đưa ra, nước này sẽ được phép cung cấp dịch Internet, xuất khẩu các thiết bị viễn thông, nông nghiệp và xây dựng sang Cuba.
Trong khi đó, ngày 12/1, Cuba đã phóng thích toàn bộ 53 tù nhân chính trị Mỹ như đã cam kết, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ với Washington.