> Cơ hội cho Mỹ-Trung nói về những khác biệt
Ngày hoạt động chính thức đầu tiên của chuyến thăm, ông Tập Cận Bình có chương trình nghị sự bận rộn, bao gồm gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, dự buổi tiếp tân tại Bộ Ngoại giao, thăm Bộ Quốc phòng, gặp lãnh đạo một số doanh nghiệp tại trụ sở Bộ Thương mại Mỹ.
Dù không phải là quân nhân, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn được Lầu Năm Góc đón tiếp trọng thị theo nghi thức quân đội với 19 phát đại bác chào mừng - một nghi lễ trước đó chưa bao giờ được dành cho phó tổng thống hay phó chủ tịch của bất cứ nước nào.
Điều này thể hiện chính quyền của Tổng thống Obama coi trọng quan hệ với Trung Quốc - một đối tác lớn về kinh tế và thương mại của Mỹ, đồng thời cũng là đối thủ quân sự mới nổi.
Tại buổi tiếp ông Tập Cận Bình trong phòng Oval tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói rằng việc Mỹ có một mối quan hệ mạnh với Trung Quốc hoàn toàn là vấn đề sống còn. Nghe câu này, ông Tập Cận Bình chỉ mỉm cười và nét mặt nhìn bớt căng thẳng hẳn.
Ngày 15-2, ông Tập Cận Bình gặp lãnh đạo Quốc hội Mỹ, phát biểu trước lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia chính sách Mỹ. Sau đó, ông rời Washington đi bang Iowa, gặp lại những người đón tiếp ông trong chuyến đi thăm và nghiên cứu nước Mỹ năm 1985.
Trong các cuộc tiếp xúc, cả hai bên đều nhấn mạnh sự hợp tác Trung-Mỹ sâu rộng, nhiều hứa hẹn và quan trọng. Tại cuộc làm việc của ông Tập Cận Bình với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, phía Mỹ nêu một số tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế mà Mỹ quan tâm.
Phía Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách thuế trong năm nay để tăng nhập khẩu và kích thích tiêu dùng trong nước. Phía Mỹ bày tỏ mong muốn Trung Quốc mở cửa thị trường bảo hiểm ô tô cho doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Joe Biden nhắc lại lo ngại của Mỹ về việc các công ty Trung Quốc được nhà nước trợ cấp và việc Trung Quốc đặt điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ mới được kinh doanh ở Trung Quốc. Ông Joe Biden cũng phàn nàn về tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn giá trị thực...
Ông Tập Cận Bình thúc giục Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.
Mặc dù sự bất đồng đã được che đậy bởi những lời lẽ ngoại giao, hai bên vẫn phải thẳng thắn thừa nhận nhiều sự khác biệt đang tồn tại trong quan hệ Trung-Mỹ, như những vấn đề về nhân quyền, tranh chấp kinh tế, quan điểm về các cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở nơi này, nơi khác trên thế giới, đặc biệt là khủng hoảng ở Syria.
Khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bóng gió nói về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đang làm cho quan hệ Trung - Mỹ xấu đi và việc Mỹ lo ngại về một vài nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đáp lại giống hệt Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã nói với Tổng thống Obama năm ngoái, đồng thời nói thêm rằng, tuy nhiên, vẫn có thể làm nhiều hơn nữa.
Ông Tập Cận Bình được dự đoán kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào khi nhà lãnh đạo Trung Quốc mãn nhiệm chức tổng bí thư đảng vào cuối năm nay và chức chủ tịch nước vào tháng 3 sang năm. Ông Tập Cận Bình được nhiều người cho là rất giỏi trong việc thiết lập các mối quan hệ cá nhân, hơn cả ông Hồ Cẩm Đào.
Thủ thuật ngoại giao mà ông Tập Cận Bình sử dụng khi xuất hiện ở Mỹ lần này là thử thách, kiểm nghiệm và hòa cùng giọng điệu của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington cách đây một năm.
Tuy nhiên, trong các cuộc tiếp xúc ở Washington, ông Tập Cận Bình cũng thể hiện là người có kiến thức rộng, sử dụng nhiều thành ngữ và danh ngôn. Ông dùng thành ngữ của Trung Quốc, dẫn lời nhà tư tưởng lớn người Anh thế kỷ 17 Francis Bacon, thậm chí một số câu trong bài hát nổi tiếng những năm 1980 trong một bộ phim truyền hình Trung Quốc.
Trong bài nói chuyện của mình, khi đề cập tương lai quan hệ Trung-Mỹ, ông Tập Cận Bình mượn tựa đề bài hát “Đâu là con đường” để diễn tả tình trạng mối quan hệ này không chắc chắn.
Đ.P Theo AP