Hãng Lenta dẫn lời Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Mỹ Rose Gottemoeller cho biết: Ukraine sẽ "đánh mất nhiều thứ" nếu Kiev quyết định nối lại các chương trình hạt nhân của nước này.
“Nếu Kiev tiếp tục con đường này (phát triển bom hạt nhân), Ukraine sẽ mất đi vai trò của một trong những quốc gia đi đầu thế giới, cũng như một đối tác tin cậy trong vấn đề không phổ biến hạt nhân”, bà Rose Gottemoeller nhấn mạnh.
Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Mỹ cũng khẳng định, vũ khí hạt nhân “không hẳn giúp Ukraine đảm bảo được an ninh quốc gia, mà ngược lại, hậu quả sẽ khôn lường”.
Hồi tháng 9/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thời điểm đó là ông Valery Geleta đã đề cập về khả năng khôi phục vũ khí hạt nhân của nước này.
Theo ông Valery Geleta, ý tưởng trên liên quan tới những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Ukraine thời gian qua, trong đó có vấn đề Crimea và khủng hoảng phía Đông – Nam nước này.
Tuy vậy, tại một hội nghị về thách thức đối với cấu trúc an ninh châu Âu diễn ra ngày 9/10, trợ lý Tổng thống Ukraine, ông Valery Chaly, khẳng định: “Ukraine không có kế hoạch, cũng không có ý định, cũng như không có các cơ hội thực sự để có thể phát triển và duy trì sức mạnh hạt nhân trong thời gian dài”.
Ukraine gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1994 sau khi cùng Nga, Mỹ và Anh đã ký Biên bản ghi nhớ Budapest, theo đó các nước trên sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, đổi lấy việc Ukraine giao nộp toàn bộ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô cho Nga.
Đây cũng là hiệp ước đã được chính quyền lâm thời Ukraine và phương Tây viện dẫn để phản đối việc Nga sáp nhập lại Crimea vốn là một Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.