Mỹ cân nhắc dỡ bỏ thuế với hàng hóa Trung Quốc

Mỹ muốn Trung Quốc ngay lập tức tăng mua nông sản Mỹ. Trong ảnh: Người dân thành phố Trịnh Châu, Hà Nam mua thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ trong siêu thị Ảnh: chinaplus.cri.cn
Mỹ muốn Trung Quốc ngay lập tức tăng mua nông sản Mỹ. Trong ảnh: Người dân thành phố Trịnh Châu, Hà Nam mua thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ trong siêu thị Ảnh: chinaplus.cri.cn
TP - Trung Quốc gây sức ép đòi Mỹ dỡ bỏ thêm các dòng thuế được áp dụng với hàng hóa Trung Quốc từ tháng 9, coi đây là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung “giai đoạn 1”, Reuters  dẫn lời một số người “có thông tin về việc đàm phán” cho biết.

Thỏa thuận này có thể được ký trong tháng 11 giữa tổng thống Donald Trupmp và chủ tịch Tập Cận Bình tại địa điểm chưa được xác định. Nhiều người cho rằng nó sẽ bao gồm cam kết từ phía Mỹ rằng họ sẽ dỡ bỏ các dòng thuế dự kiến thực thi từ ngày 15/12 đối với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi trẻ em.

Một quan chức Mỹ nói “số phận” của các dòng thuế dự kiến áp dụng từ 15/12 đang được cân nhắc và là một phần thỏa thuận dự kiến được ký.

Một nguồn tin khác nói các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ bỏ khoản thuế 15% đối với 125 tỷ USD hàng Trung Quốc bắt đầu được thực thi từ ngày 1/9. Họ cũng đang tìm cách gây sức ép để Washington dỡ bỏ khoản thuế 25% đối với 250 tỷ USD máy móc, vật liệu bán dẫn và nội thất Trung Quốc.

Quan điểm của Trung Quốc được cho là tiếp tục đòi Mỹ dỡ bỏ mọi khoản thuế càng sớm càng tốt.

Đề nghị từ phía Trung Quốc về việc dỡ bỏ các khoản thuế áp từ ngày 1/9 trước đó đã được tạp chí Politico thông tin, khi dẫn một số nguồn tin. Còn báo Financial Times thì nói Nhà Trắng đang cân nhắc có rút lại các khoản thuế áp từ ngày 1/9 đối với quần áo, TV màn hình phẳng, loa thông minh hay tai nghe bluetooth… hay không.

Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đôi bên Mỹ -Trung vẫn giữ liên lạc thường xuyên. “Các cuộc tham vấn thương mại đã có tiến triển và diễn tiến theo kế hoạch”, ông Cảnh nói.

Về vấn đề thuế, ông Cảnh nói chỉ có thể trả lời “về nguyên tắc”.

“Bổ sung thêm các sắc thuế không phải là cách đúng đắn để giải quyết các vấn đề thương mại”, ông nói với các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm qua.

Ralph Winnie, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Eurasia, nói chốt lại các điều khoản cho một thỏa thuận thương mại có thể là động lực mới đối với nền kinh tế của cả Trung Quốc lẫn Mỹ, trong khi đó đây có thể coi là một chiến thắng của ông Trump khi giành được sự ủng hộ của nông dân Mỹ, một lực lượng bầu cử quan trọng.

Hôm qua, nói chuyện tại một triển lãm thương mại quan trọng, chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia đứng lên chống lại chủ nghĩa bảo hộ và tái khẳng định cam kết mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, củng cố các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ cao hơn chuyện trợ giá

Kể từ khi ông Trump nhậm chức từ năm 2017, chính quyền của ông đã gây sức ép đối với Trung Quốc để buộc nước này ngừng trợ giá cho các công ty nhà nước và chấm dứt áp đặt điều kiện chuyển giao công nghệ bắt buộc từ các công ty Mỹ cho các công ty Trung Quốc nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc.

Một số nhà phân tích nói thỏa thuận giai đoạn một sẽ không giải quyết triệt để các vấn đề nói trên mà tập trung chủ yếu vào việc buộc Trung Quốc mua nông sản Mỹ và bảo vệ sở hữu trí tuệ liên quan đến bản quyền và thương hiệu. Thỏa thuận này chưa đề cập các khoản trợ giá từ chính phủ.

Trung Quốc đang đề nghị thay đổi một số đoạn trong dự thảo, nhưng nhiều phần của thỏa thuận “gần như đã hoàn tất”, bao gồm cả phần về các dịch vụ tài chính một nguồn tin từ Mỹ được báo cáo về tình hình đàm phán cho hay. Nguồn tin cũng nói phần về nông nghiệp “dài hàng chục trang và gần như đã hoàn tất”.  

Charles Boustany, cựu nghị sỹ của bang Louisiana, Mỹ, cố vấn một chương trình nghiên cứu châu Á nói nhiều khả năng thỏa thuận ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ mang tính ngắn hạn và không ổn định.

MỚI - NÓNG