Mỹ buộc tội 9 người Trung Quốc thực hiện ‘Chiến dịch săn cáo’

0:00 / 0:00
0:00
Quốc ký Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Quốc ký Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
TPO - Một công tố viên Trung Quốc bị cáo buộc sang Mỹ để chỉ đạo chiến dịch quấy rối một người Mỹ và gia đình, sau đó chỉ đạo tiêu huỷ bằng chứng liên quan, tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định.

Trong tuần này, cáo trạng được gửi đến một toà án liên bang Mỹ để buộc tội nhóm gồm 9 cá nhân, trong đó có một công tố viên Trung Quốc, bị cho là đã tham gia “Chiến dịch săn cáo” của chính phủ Trung Quốc nhằm vào những công dân bị truy tố ở Trung Quốc nhưng đã trốn ra nước ngoài.

Công tố viên Tu Lan, công tác tại Viện kiểm sát nhân dân Hán Dương, là người mới bị đưa vào danh sách. Bà Tu bị cáo buộc đã hỗ trợ đưa bố của mục tiêu (không được nêu nêu) sang Mỹ để “chuyển thông điệp” rằng gia đình mục tiêu này ở Trung Quốc sẽ chịu hậu quả nếu ông ta không về nước để chịu trừng phạt.

“Các bị cáo hành động với tư cách đại diện cho nhà nước, đã thực hiện một chiến dịch bí mật và bất hợp pháp để quấy rối và đe doạ những người Mỹ nhằm buộc họ quay về (Trung Quốc)”, Jacquelyn Kasulis, quyền công tố viên trưởng của toà án quận phía đông New York, khẳng định.

“Đặc vụ của nước ngoài không được phép giám sát bí mật các công dân Mỹ trên đất Mỹ, và hành động trái phép của họ sẽ bị trừng phạt theo pháp luật Mỹ”, bà Kasulis nói.

Tài liệu của toà án mô tả mục tiêu mà nhóm đặc vụ Trung Quốc nhắm đến là cựu quan chức cấp thành phố của Trung Quốc đã sang Mỹ từ khoảng năm 2010.

Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng ông này bị Trung Quốc truy nã vì tội “biển thủ, lạm quyền và nhận hối lộ”, đối diện với mức án cao nhất là tử hình theo luật Trung Quốc. Vợ của ông này cũng bị truy nã ở Trung Quốc vì tội “nhận hối lộ”, với án phạt cao nhất lên đến chung thân.

Theo cáo trạng, nhóm của bà Tu đã âm mưu đưa bố của mục tiêu sang Mỹ để thuyết phục con trai quay về Trung Quốc. Họ bảo ông nói dối giới chức Mỹ về mục đích chuyến đi và đã thuê thám tử riêng để giám sát ông.

Tu Lan được cho là người chỉ đạo chiến dịch này. Bà Tu bay sang Mỹ trước bố của đối tượng. Sau khi về nước, bà Tu tiếp tục chỉ đạo cả nhóm cách thực hiện kế hoạch.

Theo cáo trạng, bị cáo Hu Ji, sĩ quan làm việc cho Công an Vũ Hán, cũng bị cáo buộc tham gia chiến dịch. Nhưng mục tiêu của họ không quay về Trung Quốc, và bố của ông này được nói là đã chống đối nhóm giám sát khi đang trên chuyến bay rời Mỹ. Tu Lan bảo một người khác trong nhóm là Zhu Feng “xoá hết nội dung nhắn tin”, cáo trạng nói.

Vài tháng sau, một số người trong nhóm đã cố đột nhập nhà của mục tiêu ở New Jersey. Nhóm này bị cho là đã “đập cửa, cố mở cửa và để lại tờ giấy nhắn: ‘Nếu ông sẵn sàng quay về chịu án tù 10 năm, vợ và con ông sẽ bình an. Vụ án sẽ chấm dứt!”

Đại sứ quán Trung Quốc chưa phản hồi bình luận về vụ án.

Ba bị cáo đã bị bắt, trong đó có cựu cảnh sát TP New York đã hỗ trợ nhóm, còn một số người khác vẫn chưa bị bắt, trong đó có công tố viên Tu Lan, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Một bị can trong nhóm là Rong Jing, một công dân Mỹ vốn là người Trung Quốc, đã nhận tội trong phiên toà hồi tháng 3.

Trong tuần này, một bị can khác được bổ sung vào danh sách bị can. Đó là Zhai Yongqiang, bị cáo buộc hỗ trợ tìm con gái của mục tiêu.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.