Mỳ ăn liền và siêu bão

Mỳ ăn liền và siêu bão
TP - Mỳ ăn liền là thứ cứu đói tốt hơn cả cho người dân trong bão lũ, nhưng nếu đem cái thuyết “mỳ ăn liền” ấy áp dụng việc sống chung với bão thì lại là điều tai hại.

> Rưng rức những câu chuyện tình người nơi bão đi qua
> 'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão'

Bão Nari quét qua vùng Đà Nẵng - Quảng Nam, nhà sập vô số, cây xanh đổ hàng loạt, người người kêu than, thiệt hại tiền tỷ. Nhưng nếu để ý kỹ, có phải cây nào cũng đổ, cũng bị cuồng phong bứng gốc? Để ý kỹ, ven đường biển Sơn Trà - Điện Ngọc, có những đoạn cây xanh được chèn chống kỹ vẫn đứng vững sau sóng gió.

Những con đường cổ xưa ở Đà Nẵng, những cây xanh đã được trồng hàng chục năm, trồng từ nhỏ đến lớn vẫn hiên ngang. Bão chỉ bứng những cổ thụ mà gốc của nó được “định vị, khoanh vùng” trong một vòng tròn bê tông nhỏ. Cây phải cắm rễ trong lòng đất, nhưng người ta hạn chế tối đa sức sống mãnh liệt của rễ, dẫu có to bằng bắp đùi, thì nó vẫn phải cuộn tròn trong vòng bê tông.

“10 năm trồng cây...”, nhưng tốc độ quy hoạch đô thị khiến nhiều người không thể chờ. Họ muốn cây lớn như thổi sau 2 - 3 năm thôi, họ muốn đô thị mới thành lập phải mướt một màu xanh như đã hàng trăm tuổi. “Sách lược” hay nhất là bứng cây to từ nơi khác, ấn vào vòng tròn xi măng. Cây sống để lại, cây nào chết... đem chôn.

Những ngày này, người ta lại hối hả dựng cây chôn lại nơi nó vừa ngã xuống, một lỗ nhỏ toen hoẻn cho rễ bám trụ, chờ cơn bão mới. Miền duyên hải mỗi năm đón trên dưới 10 trận cuồng phong, không ngạc nhiên sau mỗi lần bão, truyền thông đưa tít đậm: hàng ngàn cây xanh đổ rạp. Không đổ sao được khi bộ rễ cây chỉ là trẻ thơ trong hình hài của một cổ thụ mà người ta cố ép nó sống trong vùng đất lạ lẫm. Đó là tư duy mỳ ăn liền của con người đã bị siêu bão vạch trần.

Thập kỷ 50 của thế kỷ trước, sau khi nghiên cứu kỹ về vùng duyên hải miền Trung, người Pháp khuyến cáo: tuyệt đối không trồng cao su ở vùng này, nếu có phải cách bờ biển ít nhất 70km và kín gió. Tốt nhất, không nên trồng cao su, tiểu điền hay đại điền gì đó ở vùng rừng núi miền Trung. Bây giờ, người ta không nghe, bảo phải thay đổi cơ cấu kinh tế, phải nhanh chóng thoát nghèo, làm giàu. Cách tốt nhất là trồng cao su siêu lợi nhuận. Ở đời, cái gì dễ đến thì dễ đi. Cây cao su nhanh giàu, nhưng bị lốc xoắn ngang, coi như bỏ. Keo tràm gãy đổ còn tận dụng làm củi khô, cao su thì cho không không ai lấy. Dân mất thêm thời gian, tiền của đốn hạ. Siêu bão Wutip vừa quần nát Quảng Bình, Quảng Trị, người dân cạn khô nước mắt trong rừng cao su. Đến siêu bão Nari, dân Quảng Nam từ Hiệp Đức đến Nông Sơn được một phen tức tưởi. Tất cả là vì cao su.

Nhiều năm trước, người ta ào ạt chặt phá rừng dương ven biển để làm bờ kè chắn sóng, tô điểm boongke cốt thép cho những dự án resort. Mỗi lần cuồng phong, kè tan hoang, gió như được tiếp thêm sức mạnh quật phá tan tành. Sai lầm nhanh chóng được phát hiện, người ta lại ào ào... tái trồng dương. Giờ đây, khi cơn thịnh nộ của đất trời càn quét, lộ ra tư duy “mỳ ăn liền” trong quy hoạch, trong dự án, trong làm ăn. Liệu có được sửa sai?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.