Mỹ âm thầm tìm cách trừng phạt Nga

Chính quyền Mỹ âm thầm ngừng cấp phép xuất khẩu những mặt liên quan đến quân sự, quốc phòng. ảnh: Foreign Policy
Chính quyền Mỹ âm thầm ngừng cấp phép xuất khẩu những mặt liên quan đến quân sự, quốc phòng. ảnh: Foreign Policy
TP - Không chỉ công khai tuyên bố nhiều chính sách nhằm cô lập Nga về kinh tế và ngoại giao, chính quyền Obama còn lặng lẽ tìm cách khác để đáp trả việc Mátxcơva sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.

Cách đây gần 1 tháng, một văn phòng của Bộ Thương mại Mỹ đột ngột ngừng cấp giấy phép cho các công ty Mỹ muốn bán những mặt hàng có khả năng gây nguy hiểm sang Nga mà báo chí không hay biết, tạp chí Mỹ Foreign Policy vừa đưa tin.

Cục An ninh và Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại ngừng thông qua hàng loạt thỏa thuận của các công ty Mỹ với đối tác Nga từ ngày 1/3, chỉ 1 ngày sau khi Mátxcơva được cho là đưa quân vào Ukraine. Chính sách đó đến tận tuần này mới được công khai bằng một thông báo trên trang web của họ: “Từ ngày 1/3, BIS sẽ ngừng cấp phép xuất khẩu hoặc tái xuất các sản phẩm sang Nga. BIS sẽ áp dụng cho đến khi có thông báo khác”.

Mỹ cũng ngừng cấp phép xuất khẩu “các bài viết và dịch vụ quốc phòng sang Nga” cho đến khi có thông báo mới. Tổng cục Kiểm soát Thương mại Quốc phòng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ có quyền cho phép hoặc bác bỏ những thỏa thuận xuất khẩu vũ khí sang Nga thông qua một hệ thống cấp phép khác.

Vẫn chưa rõ tại sao chính quyền Mỹ không thông báo chính sách này từ khi áp dụng, nhưng lý do có thể là họ chưa rõ tác động của chính sách như thế nào. Mỹ không thu hồi những giấy phép đã cấp ra mà chỉ ngừng cấp mới. Ngoài ra, Mátxcơva cũng có thể mua những thiết bị bị Mỹ cấm ở ngay từ những công ty đang hoạt động tại Nga.

Foreign Policy nói rằng Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về động thái này.

Chưa biết lệnh cấm có ảnh hưởng đến hiệu quả của nền công nghiệp quốc phòng Nga hay không nhưng rõ ràng đã ảnh hưởng đến những nhà xuất khẩu Mỹ. BIS không nêu tên các công ty cụ thể bị ngừng cấp phép làm ăn với Nga.

Theo các chuyên gia thương mại, điều này sẽ ảnh hưởng ngược lại tới những công ty của Mỹ đang cần giấy phép để xuất khẩu sang Nga, như các mặt hàng dầu khí và hóa chất. Năm 2013, BIS cấp phép 1.832 hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng có thể dùng cho mục đích vừa dân sự vừa quân sự như laser và vật liệu nổ. Những hợp đồng này trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó 800 triệu USD từ các thiết bị được mô tả một cách khó hiểu là “được thiết kế để khởi nguồn năng lượng”.

Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama trì hoãn áp dụng các chính sách cấm vận gây thiệt hại nặng nề nhất là cấm người Mỹ làm ăn với toàn bộ các ngành của Nga như ngân hàng hay năng lượng.

Nhưng trong bài phát biểu tại Brussels hôm 26/3, ông Obama tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể mở rộng. Tuy nhiên, ông Obama tuần trước thừa nhận việc tấn công vào các ngành công nghiệp của Nga cũng sẽ “gây rối loạn cho nền kinh tế toàn cầu”.

Vì thế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho đến nay mới nhằm vào các chính trị gia, doanh nhân và một ngân hàng thân cận với Tổng thống Vladimir Putin với hiệu quả được đánh giá là không đáng kể.

Theo Theo Foreign Policy
MỚI - NÓNG