Mưu sinh trên hồ Hòa Bình, bài 2: Săn loài cá lạ

TP - Khoảng 7 năm nay, vào thời gian nhất định trong năm, hồ Hòa Bình xuất hiện loài cá nhỏ hơn đầu đũa, trắng muốt. Loài cá này chưa được nghiên cứu khoa học nhưng khi ăn vào, mọi giác quan đều được đánh thức. Căn cứ vào ngoại hình, người ta gọi nó là “cá ngần”.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Giữa tháng 5 vừa qua, từ trung tâm huyện Đà Bắc, chúng tôi men theo con đường dài khoảng 50km, uốn lượn quanh hồ Hòa Bình để đến xã Tiền Phong - thủ phủ của cá ngần. Vừa dừng xe, ông Xa Văn Thực, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong đón chúng tôi rồi nói ngay: “Tìm hiểu về cá ngần, anh đến đây là đúng địa chỉ rồi. Ông Thực cho biết, cá ngần trên hồ Hòa Bình mới xuất hiện cách đây khoảng 7 năm. Khi mới xuất hiện, người dân không biết loại cá gì, nên không dám ăn, đánh bắt về chỉ dùng cho chăn nuôi. Nhưng một thời gian sau, người dân ăn thử, thấy ngon, bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Từ đó, xuất hiện nghề đánh cá ngần trên hồ Hòa Bình.

Thuyền đánh cá ngần trên hồ Hòa Bình

“Cá ngần trên hồ Hòa Bình có ở địa phận xã Hiền Lương, Vầy Nưa và Tiền Phong của Đà Bắc, nhưng nhiều nhất là ở địa bàn xã chúng tôi. Mỗi năm, cứ đến tháng 4 có khoảng 10 đến 15 thuyền đến đây đánh bắt. Ngư dân chủ yếu đến từ các địa phương khác. Họ đánh bắt cá ngần từ khoảng 4h sáng đến 11h trưa thì về nghỉ ngơi”, ông Thực cho biết.

Để kịp thời gian theo chân các “ngư phủ” đi đánh cá ngần, chúng tôi tiếp tục vượt thêm 5km đến bến thuyền bản Đá Bia rồi lên con thuyền nhỏ lướt nhẹ thêm khoảng 15 phút nữa. Các ngư dân đánh cá ngần đã ở phía trước. Không phải người xa lạ gì, dù ở Thủ đô lên nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn và chị Bùi Thị Cúc vẫn là quê chài chuyên nghiệp (ở xã Mai Lĩnh, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Vừa lên thuyền, chị Cúc giới thiệu luôn: “Thuyền đánh cá ngần như thuyền bình thường nhưng được chế thêm hai càng gắn vào hai bên mạn thuyền rồi dùng lưới có mắt nhỏ gắn vào để xúc cá.

Toàn thân cá ngần trắng muốt, mắt cá như hạt vừng đen nhánh

Tay vừa lái thuyền đi theo luồng cá, trong tiếng nổ của chiếc máy Đông Phong, anh Đoàn chia sẻ: Con cá ngần không ở gần bờ; thường ở những vùng có môi trường nước sạch; nước ô nhiễm, đục chúng không sinh sống. Mùa này, cá bơi thành từng đàn như cá mương. Phải là người có kinh nghiệm sông nước mới có thể đánh bắt hiệu quả. “Loài cá này có hình thù rất lạ. Toàn thân trắng muốt, mắt cá như hạt vừng đen nhánh, chỉ có 1 hàng vảy nhỏ li ti trước vây hậu môn. Đầu của chúng nhọn và có nhiều răng. Xương cá chủ yếu là chất sụn”, anh Đoàn cho hay. Càng ngày, cá ngần càng nổi tiếng, bán được giá cao nên càng nhiều người đánh. “Vào chính vụ, hàng chục chiếc thuyền máy quần thảo, có mẻ xúc được gần chục ký cá; mỗi ngày mỗi thuyền có thể bắt được cả tạ cá ngần”.

Gần trưa, các tiểu thương đến tận thuyền thu mua và cung cấp xăng dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm cho ngư phủ. Chị Nguyễn Thị Minh, thương lái chuyên thu mua cá ngần nói, ngày bội thu, chị kiếm được cả triệu đồng từ buôn cá ngần. Cá ngần mua của ngư dân 100.000 đồng/kg; bán ở các chợ tại TP. Hòa Bình giá 150.000 đồng/kg nhưng về đến thành phố Hà Nội giá dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 300.000 đồng/kg.

Món ăn gây thương nhớ

Cá ngần được ngư phủ đánh đến đâu, thương lái đến tận thuyền thu mua đến đó, không cần phải mang đi thiêu thụ

Ông Hoàng Văn Son, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho hay: “Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin ở các viện nghiên cứu thủy sản trên cả nước nhưng đến thời điểm này, chưa có một công trình nghiên cứu nào chính thức về con cá ngần. Mọi thông tin về nó đều là phỏng đoán. Tên cá ngần cũng chỉ là người dân đặt theo hình dạng trong suốt của nó”.

Về nguồn gốc, theo ông Son, một số người cho rằng cá ngần sống ở Trung Quốc, đẻ trứng, trôi theo dòng nước sông Đà xuống đến hồ Hòa Bình thì đến kỳ trứng cá nở ra con. Có thông tin lại cho rằng, cá ngần có họ hàng với cá tiểu bạc ở hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái. “Các cách lý giải đó có vẻ có lý nhưng chưa chính thức. Tuy nhiên, một điều chắc chắn, cá ngần chỉ mới xuất hiện khoảng 7 năm trở lại đây, vào năm 2015. Cá ngần xuất hiện vào tháng 5, rộ lên vào tháng 6, đầu tháng 7 và kết thúc vòng đời vào tháng 8 hàng năm. Theo tôi, trước khi kết thúc vòng đời, cá ngần đẻ trứng, rồi trứng bám vào các loại cây, cỏ, đến tháng 4, tháng 5 năm sau lại nở”, ông Son cho biết. Về dinh dưỡng của cá ngần, ông Son nói, chưa có công trình nghiên cứu, phân tích nhưng khi ăn, mọi người đều cảm nhận sự thơm ngon, mát lành.

Cá ngần có thể chế biến nhiều món. Đơn giản nhất là tẩm ướp vừa đủ rồi rang lên, ghém với lá lốt, lá sung, lá nhội… chấm với tương ớt hoặc nước mắm. Món này dai, ngọt và bùi. Các đầu bếp khéo tay cũng có thể trộn cá với thịt xay, trứng, hành khô, rau thơm rồi rán thành những viên chả thơm lừng, béo ngậy, ngọt ngọt dai dai. Cá ngần cũng có thể dùng để nấu canh chua. Một quả dứa, dăm quả cà chua thái lát đun sôi rồi thả cá ngân vào cho sôi bùng một lượt là có nồi canh mát lành. Để cất giữ cá ngần dùng dần, người ta có thể đông lạnh.

“Cá ngần mềm như bún nhưng khi nấu chín lại dai, ngọt, không hề nhũn nát. Trong nồi canh, cá ngần ngọt, thấm vị thơm của lá sắn muối. Thi thoảng, lại nhai phải lát gừng thơm lừng, cay cay của ớt, lẩn nhẩn của hành tỏi” Chị Bùi Thị Nhềm

Người dân sống ven hồ Hòa Bình cho biết, cá ngần sạch, bổ dưỡng, an toàn cho sức khỏe, vì chúng tụ nơi thượng nguồn, ăn rong rêu, phù du, cây cỏ.

Chị Bùi Thị Nhềm, chủ kinh doanh homestay tại bản Đá Bia (thuộc xã Tiền Phong) cho hay, trong thực đơn cho khách mùa hè, lúc nào cũng có món cá ngần. Chị Nhềm nói, ngoài các món chúng tôi kể trên, nếu cá tươi vừa vớt, ăn gỏi luôn với các loại lá rừng là ngon nhất bởi thịt cá dai, vị ngọt quyện với lá rừng bùi, ăn vừa lành vừa mát.

Chị Nhềm khoe, nói về món canh chua cá ngần phải là canh chua nấu bằng lá sắn muối chua đặc sản quê chị mới “gây thương nhớ”. Lá sắn non, bánh tẻ hái ở bờ rào, mang về vò kỹ nhưng không được rời, nát. Rửa sạch, vẩy ráo nước rồi cho vào vại, đổ nước muối ngập rau, lấy vỉ gài rồi đậy kín. Sau vài ngày, lá sắn sẽ chua. “Lá sắn muối chua vớt ra, rửa kỹ, vắt kiệt nước rồi xào với hành, tỏi, gừng, ớt... cho ngấm. Sau đó, lấy một bát con nước chua của lá sắn muối, đổ thêm nước rồi đun sôi to lửa rồi trút nhẹ nhàng cá ngần vào. Dăm mười phút sau, hương thơm của món ăn sẽ … cào cấu dạ dày mỗi người”, chị Nhềm nói. Đó là sự phối trộn giữa văn hóa ẩm thực truyền thống của người Mường và đặc sản mới của hồ Hòa Bình. (Còn nữa)