“Lòng yêu nước phải là một lợi thế cạnh tranh”
“Mãnh liệt tinh thần Việt Nam” là chương trình đang gây được sự chú ý lớn của cộng đồng. Bên cạnh những giải pháp tài chính giúp xe điện VinFast dễ tiếp cận hơn với nhiều đối tượng khách hàng, điều nhiều người nói đến là “tinh thần Việt” với sản phẩm Việt. Ở góc độ kinh tế, ông nghĩ gì về lời kêu gọi này?
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Sự cố gắng của VinFast là rất đáng ghi nhận. Việc VinFast dùng nguồn lực để giúp xe điện đến gần hơn với người dân rõ ràng cần hoan nghênh. Tuy nhiên, ở góc độ xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của người Việt, một thương hiệu quốc gia tầm cỡ thế giới thì nếu để một mình VinFast tự xoay xở thì quả thực vô cùng khó khăn và không công bằng.
Yếu tố “không công bằng” như ông nói có thể hiểu ra sao?
Tôi nói không công bằng theo nghĩa VinFast đang phải cạnh tranh với các hãng ô tô điện được hậu thuẫn lớn từ Chính phủ các nước. Ví dụ như tại Trung Quốc, Nhà nước không chỉ trợ giá cho người mua xe điện, ưu đãi hàng loạt khoản thuế, phí mà còn cung cấp bãi đỗ xe miễn phí, hỗ trợ xây dựng hệ thống sạc điện toàn quốc cũng như đánh thuế rất cao lên các phương tiện sử dụng xăng, dầu. Đặc biệt, về phương diện sản xuất, Chính phủ Trung Quốc cũng ưu đãi mạnh về vốn, R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng như tuyên truyền để người dân cùng chung tay.
Sự chung tay của người dân sẽ tiếp thêm nguồn lực cho VinFast, để Việt Nam có cho riêng mình thương hiệu quốc gia có thể cạnh tranh với thế giới |
Điều tôi muốn nhấn mạnh là muốn phát triển một ngành công nghiệp ô tô, một thương hiệu quốc gia thì ở bất kỳ đâu, thì vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) cũng vô cùng quan trọng. Đó là bài học không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Điểm chung của những nước này là đều theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển để công nghiệp hóa thành công và xây dựng nên những thương hiệu toàn cầu.
Tuy nhiên, sẽ không dễ để “bảo hộ” hay ưu đãi quá lớn cho hàng Việt trong điều kiện thị trường mở và Việt Nam đang tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do quốc tế như hiện tại, thưa ông?
Đó là lý do ngoài sự chung tay của Nhà nước, cách ứng xử của người dân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc bảo hộ của Nhà nước có thể vướng các hiệp định thương mại tự do, nhưng không hiệp định nào có thể cản trở người Việt chọn mua xe điện do người Việt sản xuất.
Bởi thế, dù ở thời đại nào, trong điều kiện nào thì lòng yêu nước cũng luôn là một trong những động lực lớn để phát triển kinh tế. Tôi đã từng tới Seoul, Hàn Quốc và chứng kiến đường phố của họ gần như chỉ có xe nội địa, chỉ loáng thoáng một vài bóng xe của những nước khác. Đó là cách người Hàn hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của nước nhà.
Việt Nam ta cũng vậy. Muốn tiến ra thế giới, lòng yêu nước phải là lợi thế cạnh tranh. Sự chung tay của người dân sẽ tiếp thêm nguồn lực không chỉ cho VinFast mà nhiều sản phẩm Việt khác. Nếu không có yếu tố căn bản ấy, chúng ta sẽ khó có thể công nghiệp hóa thành công và có cho riêng mình những thương hiệu quốc gia có thể cạnh tranh với thế giới.
Nâng giá trị con người từ niềm tự hào “Made in Vietnam”
Phải làm sao để khơi dậy “lợi thế cạnh tranh” như ông nói, để mỗi người dân có thể cùng chung tay xây dựng thương hiệu Việt đẳng cấp thế giới, thưa ông?
Không có cách nào tốt hơn là phát huy tất cả những gì chúng ta có trong tim, trong huyết quản của mình, đó là tinh thần bất khuất, kiên cường - điều đã giúp dân tộc Việt chiến thắng bất cứ giặc ngoại xâm nào. Đó là niềm tự hào của người Việt. Sự bất khuất, kiên cường ấy không chỉ cần được kích hoạt trong chiến đấu giữ nước mà còn cả trong “cuộc chiến” về kinh tế để cạnh tranh vươn lên hiện tại.
Vấn đề là tinh thần cần được định hướng cho đúng. Ngoài vai trò của Nhà nước như tôi nói, những doanh nghiệp tiên phong như VinFast cũng sẽ là nguồn động lực giúp thôi thúc doanh nghiệp và người Việt vươn lên, dám nghĩ và dám chấp nhận cuộc chơi ở tầm thế giới.
Nhưng việc gắn “thương hiệu Việt” với “tinh thần Việt” có thể hiểu là cách làm lợi cho doanh nghiệp?
Ở VinFast, tôi nhìn thấy khát vọng xây dựng một thương hiệu tầm cỡ thế giới của người Việt. Nếu chỉ để kinh doanh kiếm lời, Vingroup không nhất thiết phải dấn thân vào lĩnh vực ô tô vốn thách thức và cạnh tranh vô cùng lớn. Khát vọng của VinFast vì thế nên và cần được trân trọng.
Mặt khác, xe điện ngoài giá trị của phương tiện giao thông còn góp phần quan trọng giúp giảm ô nhiễm môi trường. Hà Nội như chúng ta biết rất nhiều ngày lọt vào top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với nguyên nhân xuất phát phần nhiều từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nếu tình trạng này không thay đổi thì mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam rất khó đạt được. Bởi thế, với xe điện VinFast, chúng ta không chỉ đặt ra câu chuyện kinh doanh mà xa hơn, đó là cách mỗi người Việt tự bảo vệ môi trường sống cho con cháu và nhiều thế hệ sau của mình.
Tuy vậy, một thương hiệu Việt đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới về công nghiệp - công nghệ cao như lời kêu gọi của VinFast theo ông hơi “mơ mộng” quá không bởi thực tế trong lịch sử, không phải quốc gia, doanh nghiệp nào cũng có thể làm được điều này?
Hoàn toàn không. Bất cứ lúc nào cũng phải có khát vọng vươn lên, phải có tầm nhìn. Nếu chỉ cúi xuống đất, thứ chúng ta thấy chỉ là đôi chân của mình. Ngược lại, nếu dũng cảm nhìn về phía trước, với sự trợ giúp của Nhà nước theo mô hình kiến tạo phát triển và với sự chung sức của người dân, VinFast hoàn toàn có thể vươn lên để hiện thực hóa khát vọng ấy.
Tôi từng ở nước ngoài, nếu một người nói là tới từ Nhật, họ lập tức được trọng vọng hơn. Người Nhật được trọng vọng một phần bởi vì họ có những thương hiệu nổi tiếng thế giới như hàng điện tử, ô tô…
Chúng ta hoàn toàn cũng có thể làm được như vậy. Nếu Việt Nam xác lập được những thương hiệu đẳng cấp thế giới, mà ôtô điện VinFast có thể là một thương hiệu như vậy, thì người Việt chúng ta chắc chắn sẽ được coi trọng hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Xin cảm ơn ông!