Từ Sài Gòn nhìn ra Hà Nội sẽ thấy đâu đó trên đường phố Hà Nội cũng không thiếu “bomb bậy”. Người đi qua đường cũng thắc mắc tại sao lại có những bức vẽ xấu xí thế này? Hay chúng thuộc trường phái gì mình chưa biết chăng? v.v.. Nghĩ rồi để đấy không cần tìm câu trả lời, bởi cuộc sống quá bận rộn. Thậm chí có những người vui tính còn giải thích những bức tranh kiểu ấy có khác gì “con đường gốm sứ” đâu, hình ảnh khác nhau nhưng đều có tính chất “trang trí” phố phường cả !!!
Cách đây vài tháng, rộ lên chuyện chàng thanh niên quốc tịch Mỹ, đang là giáo viên một trung tâm Anh ngữ ở thủ đô, được ca ngợi làm mới phố cổ. Cụ thể, chàng thức trắng đêm, tự bỏ chi phí mua sơn, tự tay sơn sửa lại con ngõ phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm) thành những mảng màu đủ kiểu: Hồng, xanh cốm, xanh đậm, vàng nhạt, vàng cam… Không chỉ mải miết sơn tường, chàng còn tiện tay sơn luôn cả hộp công tơ điện.
Nhiều người dân phố cổ thích thú với viêc làm “miễn phí” này của chàng ngoại quốc. Họ đồng tình với mục đích của chàng: Muốn tạo ra sự khác biệt cho con ngõ, để mọi người thích thú với nó và nếu được cho phép, còn sẵn sàng sơn khắp các ngõ nhỏ Hà Nội.
Sau khi công việc của chàng hoàn thành, nhìn con ngõ cổ kính bỗng tưởng tượng đến nhà cửa, phố phường màu sắc trong phim truyền hình dài tập Mexico? Té ra, chàng đang “phá hoại” chứ đâu có “làm đẹp” phố phường?
Một bộ phận dân ta hình như vẫn dễ tính, sính ngoại? Ai cho phép chàng tự tiện làm những điều như vậy trong một con ngõ thuộc phố cổ, cần bảo tồn? (Cho dù, có người bênh, chàng chỉ sơn bên trong ngõ chứ không sơn ra mặt tiền). Thế rồi, câu chuyện này cũng trôi đi.
Cứ mượn danh hội họa để tự do thể hiện tài năng thì không chỉ Hà Nội, Sài Gòn mà nhiều đô thị, vùng quê khác của Việt Nam chẳng mấy chốc sẽ trôi đầy “tranh thải” hoặc khoác những chiếc áo lạ lẫm không còn là chính mình. Mới đây, người ta nói nhiều đến chuyện các nắp cống Sài Gòn đã hóa thân thành những tác phẩm hội họa dễ thương, thu hút.
Đây là việc làm đáng hoan nghênh do các bạn sinh viên mỹ thuật ĐH Sài Gòn thực hiện. Càng hay hơn, khi hoạt động này được xin phép chính quyền đàng hoàng. Đã đến lúc cần “cấp phép” và “thổi còi” nghiêm khắc với loại hình nghệ thuật công cộng?