Muốn cười, khán giả phải 'ăn' xe đạp điện...

Thành viên trong đoàn làm phim “Đại gia chân đất”. Ảnh: TL
Thành viên trong đoàn làm phim “Đại gia chân đất”. Ảnh: TL
Các danh hài và công ty sản xuất băng đĩa nhạc “đổ bộ” thị trường Việt dịp Tết Giáp Ngọ rầm rộ bằng vô số kiểu cười. Dư luận sau Tết chưa hoàn hồn vì cái “đại dịch quảng cáo” ăn theo băng đĩa đến “phát ốm”.

Xem hài không để cười

Đĩa hài vừa chạy, khán giả chưa kịp nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của bộ phim thì những đoạn quảng cáo đã chềnh ềnh trước mắt.

Điển hình như sản phẩm hài “Tết để yêu thương” của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long. Trong tiểu phẩm “Hàm răng của ai” với sự tham gia của nghệ sĩ hài Xuân Hinh, Hồng Vân là câu chuyện hài hước của một nhân vật tuổi đã cao, răng đã rụng gần hết, chỉ còn duy nhất một cái (Xuân Hinh thủ vai). Gia đình đã cho ông này đến trung tâm nha khoa để làm răng giả.

Lộ liễu hơn, trong quá trình diễn xuất còn có những câu thoại khô khan, không có chút gì là hài hước nhằm giới thiệu về một trung tâm nha khoa, về sản phẩm của một doanh nghiệp kinh doanh đồng hồ.

Còn ở đĩa hài “Tiến Tùng… túng tiền” của hãng phim Bình Minh, để quảng cáo cho một loại thuốc “bổ thận, tráng dương”, xây dựng tình huống: cô ả mở công ty mê hai “ca sĩ” hát rong nên đưa danh thiếp cho họ.

Hai chàng tìm đến văn phòng, trước lời đề nghị làm việc mức lương hậu lĩnh, hai chàng hội ý, một người tỏ vẻ lo ngại không đủ “sức” để phục vụ hai nàng, người kia liền rút trong túi ra thuốc “bổ thận, tráng dương” và tuôn một tràng quảng cáo về loại thuốc này.

Trong khi trang web của Hoguom Audio (bà đỡ cho đĩa hài trên) giới thiệu về VCD hài này là “nỗi khắc khoải nhức nhối của tác giả Bình Trọng khi nhìn thấy những phận người từ quê ra thành phố kiếm sống với vô vàn những khó khăn, tủi hờn”.

Không biết “khắc khoải, nhức nhối” hay “khó khăn, tủi hờn” đến mức nào khi mấy anh nhà quê lận sẵn “bổ thận tráng dương” để “chiều” các quý cô?

Sản phẩm hài “Đại gia chân đất 4” cũng trong tình trạng tương tự với một loạt hình ảnh quảng cáo về thạch rau câu, quần áo, đồ điện máy, thực phẩm chức năng, thuốc…

Rồi “Chôn nhời” của Nghe nhìn Thăng Long mặc dù PR rầm rộ trên truyền thông nhưng khi xem cũng “đụng” phải hàng loạt các sản phẩm của Nonan, các sản phẩm của Botania: BoniHappy (nguồn gốc, tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại), sản phẩm dược BoniHair, BoniDaibet; Đào Hồng Đơn – căng tràn hạnh phúc, hồng sâm Hàn Quốc, máy phát điện Vũ Gia Phát, bánh đậu xanh Gia Bảo, vân vân và vân vân …

Mỗi băng đĩa hài có hẳn 3-5 phút quảng cáo riêng nhưng trong suốt bộ phim, nhà sản xuất vẫn còn cố tận dụng bằng cách cho những dòng chữ quảng cáo chạy chậm phía dưới màn hình. Hai bên phải trái, phía góc màn hình cũng được tận dụng nhét thêm logo của một vài công ty.

Không nên “lạm dụng” lòng tin khán giả

Mặc dù hài Tết năm nay ghi nhận sự nỗ lực của các nhà sản xuất, song lướt qua một lượt các sản phẩm, cảm giác đầu tiên vẫn là sự nhàn nhạt của các tiểu phẩm.

Số lượng đĩa nhiều, sự xuất hiện của các danh hài cũng đông, song ở đó vẫn là những chiêu trò cũ với mô típ chọc cười không mới. Thậm chí ngay cả Xuân Hinh lại xuất hiện với vai “giả gái” bên cạnh việc quảng cáo sản phẩm một cách lộ liễu trong các tiểu phẩm.

Vẫn biết nền kinh tế còn trong tình trạng khó khăn, quảng cáo là cứu cánh cho các đĩa hài vì chỉ cần sản phẩm ra thị trường một vài giờ, lập tức xuất hiện đĩa lậu, thế nhưng cách cân bằng thu chi bằng việc lôi kéo giới thiệu sản phẩm ấy cũng khiến các tiểu phẩm hài không còn là giải trí mà nhuốm màu vụ lợi.

Vì lợi nhuận nên nhiều tác phẩm không còn giữ được tính hài hước, thâm thúy sâu sắc, mà khoác lên mình cái áo “hài nhảm”, “siêu nhảm”… Sự đi xuống, thụt lùi của sân khấu hài hôm nay cũng bắt nguồn từ chính suy nghĩ có phần dễ dãi của những người làm nghệ thuật.

Đạo diễn Trần Bình Trọng - cha đẻ của sản phẩm hài “Đại gia chân đất” đã từng chia sẻ: “Những năm trước khi “Đại gia chân đất” và hãng phim Bình Minh mới “chân ướt chân ráo” trình làng thì cần huy động rất nhiều các nhà tài trợ, nhưng năm nay không cần kêu gọi nguồn tài trợ nữa”.

Thế nhưng khi sản phẩm đến tay công chúng thì hàng loạt các quảng cáo, các thương hiệu vẫn ùn ùn chạy theo sau. Trong một bài phỏng vấn, đạo diễn phim nông thôn Nguyễn Hữu Phần có lần từng than là nhiều lần nhận được đề nghị đưa sản phẩm vào nhưng thấy chướng lắm(!).

Có thể chỉ là đĩa hài nên các đạo diễn dễ tính hơn chăng? Thiết nghĩ các nhà sản xuất cũng nên cân nhắc hơn thiệt, xử lý khéo léo, tìm giải pháp mới vẹn cả đôi đường, đừng để đến mức khán giả cảm thấy “bị lừa”. Khán giả mua đĩa hài để xem hài, chứ không phải mua đĩa hài để xem quảng cáo!

Theo An Khánh

Theo Gia Đình và Xã Hội
MỚI - NÓNG