90 phút thiên nhiên
Nếu thực lòng yêu thương con, bạn hãy là những phụ huynh biết đưa trẻ ra khỏi bốn bức tường. Không bàn tới những tác dụng tâm lý, sức khỏe lớn lao, trước hết việc “nhìn xa trông rộng” theo đúng nghĩa đen sẽ giúp trẻ phòng chống cận thị, thậm chí là chữa được tật cận thị nếu trẻ chưa bị quá nặng. Điều này cũng ích lợi với người lớn đang có vấn đề về tật khúc xạ.
BS Kate Gifford - nhà nghiên cứu thị lực lâm sàng tại Úc nói trên trang myopiaprofi le.com rằng, trẻ ở độ tuổi 6-7 dễ mắc chứng cận thị nhất. Nữ BS này khuyên, mỗi ngày trẻ phải có ít nhất 90 phút sinh hoạt ngoài trời để giảm nguy cơ cận thị. Hãy buộc trẻ buông chiếc máy tính bảng hay rời mắt khỏi màn hình ti vi để chơi vui đùa với bạn bè, nghiêng ngó cỏ cây. Nếu bạn không thể lấy chiếc ipad từ tay trẻ, hãy nhắc trẻ giữ khoảng cách đọc hợ p lý. Giữ màn hình hay trang sách xa mắt một khoảng tương đương độ dài khuỷu tay (khoảng 30cm). Ít nhất mỗi ngày trẻ phải có hai tiếng không học hay đọc, xem phim ảnh.
Tập mắt
Bạn có thể tham khảo những bài tập do trang seragpsych.com giới thiệu để chống cận thị và giúp giảm độ cận. Hãy tập hàng ngày hay bất cứ khi nào có thể và đừng quên hoàn thành mỗi bài tập đầy đủ trước khi chuyển sang bài tiếp theo.
Bài tập với ngón tay
Bài tập này tập nhìn vật thể xa. Bạn đứng đối mặt với một bức tranh trên tường, đứng thẳng lưng cách chừng vài mét rồi giơ ngón trỏ cách mũi 4-5cm. Tập trung nhìn ngón tay này cho rõ.
Sau đó, bạn nhanh chóng chuyển sang nhìn bức tranh trên tường. Ban đầu, các hình ảnh sẽ nhòe. Hãy cố cho đến khi mắt bạn tập trung hoàn toàn vào bức tranh. Khi bạn đã nhìn rõ hơn, hãy bước lùi lại để tăng khoảng cách giữa bạn và bức tranh.
Bài tập với bút chì 1
Bạn ngồi và cầm cây bút chì. Để bút chì cách mũi 15cm. Liếc nhanh cây bút và chuyển sang nhìn một vật trước mắt ở phía xa. Vài giây sau, bạn trở lại nhìn cây bút chì.
Lặp lại quá trình này 10 lần và tập mỗi ngày để thị lực tốt hơn, tăng dần khả năng tập trung vào các đối tượng ở xa hơn.
Bài tập với bút chì 2
Bạn ngồi, cầm bút chì, đưa bút chì tới điểm cách mắt một khoảng sao cho bạn nhìn ra hai cây bút chì trước mặt. Hãy tưởng tượng rằng có một tấm bảng hay màn hình máy tính phía trước.
Di chuyển bút chì cho tới khi nó chạm vào tấm bảng hay màn hình tưởng tượng rồi đưa bút chì trở lại vị trí ban đầu. Khi bạn di chuyển bút chì, mắt bạn luôn dõi theo nó.
Thực hiện bài tập này ít nhất một lần một ngày và bạn sẽ nhận thấy tầm nhìn được cải thiện.
Bài tập “quét” phòng
Ngồi thoải mái trên một chiếc ghế trong phòng hoặc nơi có nhiều vật thể để quan sát như phòng khách hoặc khu vườn. Bạn bắt đầu nhìn ở một bên và dùng mắt “quét” từ từ tất cả mọi thứ trong phòng. Nhìn vào từng vật một cách tỉ mỉ, hãy chắc chắn rằng bạn đã thấy rõ ràng vật thể, sau đó mới chuyển sang vật kế tiếp.
Trong bài tập này, bạn rèn khả năng nhìn chậm, tập trung vào những vật thể gần và xa bạn. Bài tập đảo mắt hình tròn hết mức theo chiều kim đồng hồ và ngược lại cũng có tác dụng tương tự.