Lao động từ vùng nông thôn ăn trưa tại xí nghiệp ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters |
Thu nhập quá thấp khiến những người nghèo tại Trung Quốc phải co mình lại, sống một cuộc sống thiếu thốn về mọi mặt, từ vật chất đến tinh thần. Cô gái họ Lưu quê ở Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải) theo chồng lên thành phố làm thuê ở công trường từ năm 2004, mỗi ngày cô chỉ kiếm được 15 - 20 nhân dân tệ (1,8 - 2,5 USD), do đó tiền ăn uống hằng ngày của cô chỉ vỏn vẹn 3 nhân dân tệ.
Trương Bảo Toàn, quê ở Cát Lâm, mỗi tháng làm thuê kiếm được 600 nhân dân tệ (74 USD), vậy mà chỉ một lần cảm cúm đi bệnh viện bình dân anh cũng phải chi hơn 100 nhân dân tệ (12,5 USD). Lưu Bảo Quốc, quê ở Cát Lâm, đến làm thuê ở thành phố Trường Xuân từ thập niên 1990.
Mười mấy năm qua anh bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn: đi tìm việc, đi làm, mất việc, rồi lại tìm việc. Mang tiếng là sống mười mấy năm tại thành phố nhưng rất ít khi anh vào siêu thị mà chỉ trốn biệt trong căn lều bốn bề trống hoác chẳng có đồ đạc gì, nguyên nhân là anh sợ ánh mắt của dân thành thị nhìn thấy bộ dạng nghèo khổ của anh.
Theo thăm dò, có tới 1/5 lao động nông thôn Trung Quốc có thái độ mặc cảm tự ti là “nhà quê” khi chứng kiến cuộc sống khá giả đầy đủ của người thị thành. Hiện có khoảng 20 triệu con em lao động nông thôn theo cha mẹ ra thành phố.
Một cô bé tâm sự: “Dân thành phố xem thường chúng cháu vì chúng cháu nghèo, chúng cháu là người nhà quê”. Dịch Bổn Huy, hiệu trưởng Trường thực nghiệm Hành Trí tại thành phố Hải Định, một trường dành cho con em lao động nông thôn, ngậm ngùi: “Trong vòng hai năm trường di dời ba lần. Hiện trường nằm ngay cạnh khu dân cư cũ kỹ, được dựng lên bằng những tấm nilông, vật liệu xây dựng bằng nhựa”.
Cuộc sống của nhiều người dân thành thị, dù có khá hơn, cũng bị trói buộc bởi vô vàn gánh nặng liên quan đến đồng tiền. Trong thư điện tử gửi đến Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo qua diễn đàn trực tuyến của trang web Tân Hoa xã, cô Nguyệt Nga viết: “Tôi sắp sửa sinh con, do đó vợ chồng tôi muốn mua một căn nhà riêng.
Tuy nhiên đó là gánh nặng quá lớn”. Cô đặt ra câu hỏi với Thủ tướng Ôn Gia Bảo: “Liệu ngài có thể cho chúng tôi biết ngài sẽ làm gì để khiến mức chi phí mua nhà cửa, tiền học hành và khám bệnh trở nên hợp lý?”.
Câu hỏi đó cũng là nỗi nhức nhối chung của hàng trăm triệu người thu nhập thấp tại Trung Quốc, cho dù là ở thành thị hay nông thôn.
Khổ vì các “đế vương thổ”
Một lớp học ở nông thôn Trung Quốc - Ảnh: Xinhua |
Trong lời cảnh báo của mình, ông Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh đến vấn đề con người, đặc biệt xuất phát từ nội bộ Đảng và chính quyền. Những lời cảnh báo này đã đụng đến vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc đang gặp phải: nạn tham nhũng từ mọi cấp.
Đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng và sự chênh lệnh quá lớn giữa thành thị và nông thôn.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) tháng 9-2005, Trung Quốc hiện có tới 8.300 quan tham trốn ở nước ngoài, ngoài ra còn có 6.500 quan tham mất tích.
Trong đó khoảng 2/3 số tội phạm bị truy nã là nhân viên cao cấp của các doanh nghiệp quốc doanh. Còn theo Tân Hoa xã, trong năm 2005 tòa án Trung Quốc xét xử 24.277 trường hợp liên quan đến tham nhũng, hối lộ và thiếu trách nhiệm; kết án tù 1.932 quan chức từ cấp cơ sở trở lên, trong đó có sáu quan chức cấp tỉnh và bộ. Trường hợp nổi bật nhất là án tù chung thân dành cho cựu bộ trưởng đất đai và tài nguyên Điền Phong Sơn gây xôn xao dư luận.
Một mảnh đất màu mỡ để các quan tham Trung Quốc kiếm chác chính là việc thu hồi và đền bù đất đai cho nông dân và chiều hướng này đang ngày càng gia tăng ở nhiều vùng nông thôn. Người ta gọi những quan tham ở xã thôn là “đế vương thổ” (vua nhà quê).
Có lần, một bí thư huyện ủy đã công khai vỗ ngực tuyên bố: “Huyện ủy là cái gì, huyện ủy là tôi đây nè”. Số sâu mọt tham nhũng này “ăn” đất bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, điển hình là móc ngoặc với cơ quan qui hoạch đền bù để ăn chặn tiền đền bù của dân. Số người như thế có lẽ lên đến cả ngàn cả vạn tại Trung Quốc.
Cái nghèo đã đưa bước chân 150 triệu người dân nông thôn Trung Quốc đổ xô ra thành thị mong tìm được cơ hội đổi đời. Vậy còn những người bám trụ lại với đất với quê thì sao?
Theo số liệu thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2004 có tới 40 triệu nông dân mất đất đai ở các mức độ khác nhau nhưng mức đền bù không thỏa đáng.
Trong khi đó, các cán bộ địa phương lại cho các doanh nghiệp thuê đất để kiếm lợi. Hậu quả là xảy ra hàng loạt vụ biểu tình của nông dân. Năm 2005, Bộ Nội vụ Trung Quốc thừa nhận đã xảy ra 87.000 “sự cố quần chúng”, bình quân 238 “sự cố”/ngày.
Trong đó có các vụ nổi bật như cuộc biểu tình phản đối bồi thường đất đai không thỏa đáng của người dân thành phố Sơn Vĩ, tỉnh Quảng Đông tháng 12-2005; cuộc biểu tình của hơn 100 nông dân Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên đòi bồi thường đất đai tháng 4-2005…
Cựu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc Đinh Học Lương nhận định: “Nhiều vùng nông thôn bây giờ giống như vùng chân không luật pháp”.
Trung Quốc hiện đang đứng trước một khởi điểm lịch sử mới khi đảng và chính quyền đã xác định rõ những bất cập còn tồn tại trong xã hội và kinh tế. Một “kế hoạch Roosevelt” của Trung Quốc được triển khai, đất đai được xác định là vấn đề số một trong cải cách.
Nhưng nhiều quan chức nông thôn trở thành người đứng giữa hai dòng nước: trong khi các cấp lãnh đạo có hàng ngàn sợi chỉ, các quan chức nông thôn chỉ có một cây kim! Còn người dân đứng ở đâu?
Theo C.Chánh- H.Trung- T.Tuệ
Tuổi trẻ
Phải chịu trách nhiệm với lịch sử Cảnh báo 6: Ngành tư tưởng, văn hóa, giáo dục, y tế phải lấy lợi ích xã hội làm tiêu chí, chuẩn mực duy nhất cho mọi hoạt động. (Trích 10 cảnh báo của Đặng Tiểu Bình, Nhân Dân Nhật Báo)
Cảnh báo 7: Nếu không giải quyết tốt vấn đề giáo dục sẽ làm hỏng việc lớn, sẽ phải chịu trách nhiệm với lịch sử. Trung ương đề xuất phải nỗ lực lớn để thúc đẩy giáo dục, ngay từ các cấp tiểu học và trung học với tầm nhìn chiến lược.
Những lãnh đạo coi nhẹ giáo dục là những người thiếu tầm nhìn, chắc chắn sẽ không quản lý được công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc.
Cảnh báo 8: Trung Quốc có xảy ra vấn đề gì thì chắc chắn là xuất phát từ nội bộ Đảng Cộng sản TQ.