Ông Đặng Tiểu Bình được coi là cha đẻ của công cuộc hiện đại hoá Trung Quốc, kiến trúc sư của chính sách cải tổ và mở cửa đất nước với thế giới bên ngoài. |
Việc phân phối thu nhập quốc dân phải khiến tất cả mọi người đều hưởng lợi
Chúng ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, việc phân phối thu nhập quốc dân phải khiến tất cả mọi người đều được hưởng lợi, không có người quá giàu, cũng không có kẻ quá nghèo, mức sống tốt đẹp phải là phổ biến. (dẫn từ vấn đề đại đoàn kết của dân tộc Trung Hoa”, 1986)
Nếu đưa đến phân hoá lưỡng cực, TQ có thể xảy ra mầm loạn
Cộng đồng giàu có, đó là điều chúng ta đã nói tới ngay khi bắt đầu cải cách, rồi trong tương lai sẽ có ngày nó trở thành vấn đề trung tâm. CNXH (chủ nghĩa xã hội) không phải làm một thiểu số người giàu lên, mà phần lớn người thì nghèo khó, không phải là kiểu đó.
Tính ưu việt lớn nhất của CNXH phải là cùng nhau giàu có. Đó là một thể hiện của bản chất CNXH. Nếu làm cho lưỡng cực (hai cực giàu, nghèo-ND) phân hoá, tình hình sẽ khác, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giữa các khu vực, và mâu thuẫn giai cấp đều sẽ phát triển, rồi mâu thuẫn trung ương với địa phương cũng sẽ phát triển, có thể xẩy ra mầm loạn.(“Tận dụng thời cơ giải quyết vấn đề phát triển”,1990)
Nếu như cải cách dẫn đến phân hoá lưỡng cực thì cải cách đã thất bại
Hiện nay chúng ta làm bốn hiện đại hoá, đó là làm bốn hiện đại hóa của CNXH, chứ không phải là thứ hiện đại hóa nào khác. Mục đích của xã hội chủ nghĩa là để nhân dân cả nước cùng giàu có, chứ không phải là phân hoá lưỡng cực.
Nếu chính sách của chúng ta mà dẫn đến phân hoá lưỡng cực, thì chúng ta đã thất bại rồi; Chúng ta đề xướng một vài khu vực giàu có lên trước, là nhằm khích lệ và kéo theo những khu vực khác cùng giàu có lên.
Đề xướng một bộ phận người trong dân giàu có lên trước, cũng là với lẽ tương tự. (“Phải có lý tưởng, có kỷ luật mới có đoàn kết thật sự”,1985)
Cuối thế kỷ 20 là phải làm nổi bật việc giải quyết vấn đề phân hoá lưỡng cực
Đi con đường CNXH tức là phải từng bước thực hiện cộng đồng giàu có. ý tưởng cùng nhau giàu lên được đề xuất như thế này: Một số vùng miền có điều kiện cứ phát triển trước, một số vùng miền khác thì phát triển chậm đi một chút, những khu vực phát triển trước kéo theo những khu vực phát triển sau, để rồi cuối cùng đạt tới sự giàu có chung.
Nếu để giàu cứ càng giàu, mà nghèo thì ngày một nghèo, sẽ sản sinh phân hoá lưỡng cực, lẽ ra chế độ xã hội chủ nghĩa phải, và có thể tránh được phân hoá lưỡng cực…
Có thể, đến cuối thế kỷ(thế kỷ 20-ND), khi đạt tới mức sống khá giả là phải đưa ra và làm nổi bật việc giải quyết vấn đề này.(“Bài nói chuyện ở Thẩm Quyến và các thành phố duyên hải”,1992)
Đô thị có phồn hoa bao nhiêu đi nữa, mà khu vực nông thôn không ổn định là không thể được
TQ có tới 80% nhân khẩu sống ở nông thôn, TQ có ổn định hay không, trước hết phải nhìn vào cái 80% này có được ổn định hay không. Thành phố có đẹp đến đâu đi nữa, mà không có được nông thôn ổn định này là không thể được.(“Xây dựng CNXH mang màu sắc TQ”, 1984)
Ngành tư tưởng văn hoá, giáo dục, y tế, phải lấy hiệu ích xã hội làm chuẩn mực duy nhất cho mọi hoạt động
Cái khuynh hướng “hướng tất cả lên đồng tiền”(đồng âm với “hướng tất cả lên phía trước”trong tiếng TQ-ND), đem thương mại hoá các sản phẩm tinh thần, cũng đã xuất hiện ở các mặt của sản xuất tinh thần rồi. (Trích dẫn từ “nhiệm vụ bức thiết của Đảng trên mặt trận tổ chức và mặt trận tư tưởng”, 1983).
Các ngành tư tưởng văn hoá, giáo dục, y tế đều phải lấy hiệu quả xã hội làm chuẩn mực duy nhất cho mọi hoạt động, các đơn vị trong ngành cũng phải lấy hiệu quả xã hội làm chuẩn mực tối cao.(Trích dẫn từ phát biểu tại đại hội toàn quốc Đảng cộng sản TQ1985)
Nếu như không giải quyết tốt vấn đề giáo dục, là hỏng mất việc lớn, sẽ phải chịu trách nhiệm với lịch sử
Chúng ta đã nói nhiều lần rằng, đến ngày kiến quốc trăm năm (năm 2049-ND), nền kinh tế TQ có thể tới gần mức của các quốc gia phát triển. Chúng ta nói vậy, một trong những căn cứ là trong đoạn thời gian ấy, chúng ta hoàn toàn có thể đưa nền giáo dục đi lên, nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật của ta, đào tạo được đến trăm triệu nhân tài các cấp, các loại.
Sự cường nhược của quốc gia, quốc lực và tầm cỡ phát triển của kinh tế chúng ta, càng ngày càng quyết định bởi tố chất người lao động, quyết định bởi số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức.
Một nước lớn trên tỷ người, nền giáo dục được đưa lên, ưu thế to lớn của nguồn lực nhân tài là không có quốc gia nào bì nổi. Khi có được ưu thế nhân tài, cộng với chế độ xã hội chủ nghĩa tiên tiến, mục tiêu chúng ta cầm chắc sẽ đạt được.
Trung ương đề xuất phải nắm giáo dục với sự nỗ lực cực lớn, và phải nắm ngay từ cấp tiểu và trung học, đấy là một chiêu có tầm nhìn chiến lược. Nếu giờ đây không đề xuất nhiệm vụ này với toàn Đảng, là hỏng mất việc lớn, sẽ phải chịu trách nhiệm với lịch sử.
Vẫn còn một bộ phận đồng chí kha khá, bao gồm cả một số cán bộ cao cấp, nhận thức không đầy đủ, thiếu cảm giác bức xúc đối với tính tất yếu của phát triển và cải cách giáo dục, hoặc ngoài miệng thì thừa nhận giáo dục là quan trọng, nhưng đến khi giải quyết vấn đề thực tế thì lại thành ra không mấy quan trọng nữa.
Nhà lãnh đạo coi nhẹ giáo dục, là nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn, thiếu chín chắn, sẽ không lãnh đạo nổi công cuộc xây dựng hiện đại hoá. Đối với công tác giáo dục, các cấp ủy đảng và chính quyền không những phải nắm, mà phải nắm chặt, nắm tốt, ít nói suông, phải làm nhiều việc thực. (“Phải nắm cho tốt công tác giáo dục”1985)
TQ có xẩy ra vấn đề gì, vẫn sẽ là xẩy ra trong nội bộ Đảng cộng sản. (Trích dẫn từ bài nói chuyện ở Thâm Quyến và các tỉnh duyên hải 1992)
Tất cả mọi cải cách rốt cuộc có thành công hay không, vẫn là quyết định ở việc cải cách thể chế chính trị
Nếu không làm cải cách thể chế chính trị thì không thể thích ứng với tình hình được. Cải cách, là phải bao gồm cả cải cách thể chế chính trị, và cũng nên lấy nó làm một tiêu chí của sự thúc đẩy công cuộc cải cách tiến lên. (Dẫn bài nói chuyện sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế 1986)
Cải cách thể chế chính trị với cải cách thể chế kinh tế phải dựa vào nhau, phối hợp với nhau. Chỉ làm cải cách thể chế kinh tế, không làm cải cách thể chế chính trị, thì không thể làm được, bởi vì sẽ gặp phải trở ngại trước hết đến từ con người.
Công việc phải do con người làm, anh đề xướng trao quyền, nhưng chỗ khác lại giữ quyền không buông, anh làm thế nào được? Từ góc độ này mà nói, mọi cải cách của chúng ta rốt cuộc có thành công hay không, vẫn là quyết định bởi việc cải cách thể chế chính trị. (“Phải xác lập quan niệm pháp chế trong toàn dân”, 1986)
Muốn có được phát triển, nhất thiết phải giữ vững hướng đi đối ngoại mở cửa, đối nội cải cách, bao gồm cả cải cách trong lĩnh vực thượng tầng kiến trúc, và thể chế chính trị. (“Kiên trì chính sách cải cách mở cửa”, 1987)
Việc cải cách thể chế chính trị sẽ đụng tới lợi ích của rất nhiều người, sẽ vấp phải rất nhiều trở ngại
Khi đề xuất cải cách, là bao gồm cả cải cách thể chế chính trị. Nay trong mỗi bước tiến của cải cách thể chế kinh tế, chúng ta đều cảm nhận sâu sắc tính tất yếu của việc cải cách thể chế chính trị.
Không cải cách thể chế chính trị, là không bảo đảm được thành quả của cải cách thể chế kinh tế, không đưa cải cách thể chế kinh tế tiếp tục đi lên, sẽ cản trở sự phát triển của sức sản xuất, cản trở việc thực hiện bốn hiện đại hóa…
Phải thông qua cải cách, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp trị và nhân trị, xử lý cho tốt mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền. Không tiến hành cải cách thể chế chính trị, việc cải cách thể chế kinh tế khó mà quán triệt. (“Về cải cách thể chế chính trị”, 1986)
Nói đến cải cách là nói tới một cuộc cải cách toàn diện, bao gồm cải cách thể chế kinh tế, cải cách thể chế chính trị và cải cách ở các lĩnh vực tương ứng khác…
Mỗi một biện pháp cải cách thể chế chính trị đều liên quan đến hàng ngàn hàng vạn con người, chủ yếu là liên quan đến đông đảo cán bộ, chứ không chỉ là lớp già chúng tôi. (“Phải tăng nhanh bước đi của cải cách”, 1987).