TPHCM:

Muỗi bùng phát ở Bình Thạnh: Phun thuốc cũng như không

Muỗi bùng phát ở Bình Thạnh: Phun thuốc cũng như không
TP - Hơn một tháng nay, người dân sống dọc rạch Lăng, ở các phường 11, 12, 13 thuộc quận Bình Thạnh phải dùng mùng chống muỗi trong mỗi bữa ăn vì muỗi tấn công mọi lúc mọi nơi. Ngành y tế phun thuốc diệt muỗi nhưng muỗi vẫn sinh sôi nảy nở.

Khi chúng tôi ghé qua khu phố 5-6 ở phường 11, quận Bình Thạnh hỏi chuyện muỗi bùng phát nơi đây, nhiều người dân than thở muỗi quá nhiều đến ăn cũng phải mắc mùng. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Lệ ở 338/27 đường Nơ Trang Long thuộc phường này cho biết gần một tháng nay mọi sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn do muỗi quá nhiều.

“Nhiều lần dân có ý kiến yêu cầu tổ dân phố báo cáo với y tế dự phòng về xịt thuốc muỗi nhưng cũng không ăn thua, hôm trước xịt muỗi giảm hẳn nhưng hôm sau đâu lại vào đấy”- Chị Lê nói.

Qua khu phố 1 thuộc phường 13, nhiều người dân cho biết phải ăn cơm tối trong mùng vì muỗi bay quá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Nhiên ở khu phố 5, phường 13 và các hộ dân sắm đủ thứ, nào là vợt để diệt muỗi, mua nhang trừ muỗi về đốt rồi mua thuốc xịt, thuốc bôi lên da nhưng vẫn không ăn thua. Nhiều hộ dân cho biết gần như năm nào muỗi cũng xuất hiện đều đặn ở dọc rạch Lăng và khu vực cầu Băng Ky khiến người dân rất mệt mỏi.

Chị Nguyễn Hòa An ở gần cầu Băng Ky cho biết, mỗi khi ra khỏi nhà là phải bôi kem lên mình đứa con nhỏ của mình ở nhà vì sợ muỗi gây bệnh. Còn những người dân kinh doanh cà phê ở khu vực này một tháng nay ế ẩm vì không khách nào dám vào uống.

Phải khơi dòng chảy

Năm nào quận Bình Thạnh cũng dẫn đầu số ca mắc sốt xuất huyết do muỗi gây nên nhưng gần như công tác vệ sinh môi trường, ngăn ngừa muỗi vẫn chưa được quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Mừng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh cho biết, trước Tết đã phun hơn 30 lít hóa chất diệt muỗi ở các phường 11, 12, 13 và sau Tết cũng đã có phun tiếp 15 lít nhưng phun hôm trước hôm sau muỗi lại xuất hiện.

Liệu thuốc không hiệu quả hay kỹ thuật pha có vấn đề? Ông Mừng cho biết: “Thuốc do thành phố cấp, còn trước khi đi phun thuốc được pha ngay tại trung tâm nên không có chuyện sai kỹ thuật”.

Theo ông Mừng, sau phun thuốc, mật độ muỗi có giảm nhưng hôm sau lại như cũ. “Hiện tại việc phun thuốc chỉ là giải pháp tình thế mà không hiệu quả, vì vậy việc thường xuyên vệ sinh môi trường mới hạn chế được muỗi”- Ông Mừng đề xuất.

Trao đổi với báo chí hôm qua, về nạn muỗi hoành hành ở quận Bình Thạnh, ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Muốn dập được nạn muỗi ở khu vực này, riêng ngành y tế không thôi là bó tay, không thể dập nổi.

Theo ông Giang, trách nhiệm của ngành y tế dù có thực hiện tốt đến mấy thì cũng chỉ mới giải quyết được phần ngọn của nạn muỗi tại khu vực này. Ở tại khu vực này lâu nay dòng kênh bị bít dòng chảy hai đầu, dẫn đến ao tù nước đọng, rác, lục bình… đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi nảy nở.

MỚI - NÓNG