Chị còn bán cả nem chua Thanh Hóa - đặc sản quê chồng. Còn giò xuất xứ Nghệ An quê chị. Hai vợ chồng ra Hà Nội lập nghiệp ba năm nay. Công việc nghe khá sang: huấn luyện lao động trước khi xuất khẩu. “Nhưng em chỉ dạy mỗi đợt 3-4 người thôi. Hình như Cô-vít ảnh hưởng cả các nước khác hay sao ấy. Dạo này chẳng có việc. Em xoay ra bán thêm cái này”.
Một tay điều khiển bếp ga du lịch, tay kia ôm đứa bé. Chưa đầy tuổi, nhỏ xíu. Xinh như con gái nhưng là con trai. Bé hoàn toàn không có một thái độ gì hớn hở hay lạ lẫm trước người lạ. Bình thản nép vào mẹ. Vì đã quen gặp khách cùng mẹ rồi. Quen luôn với việc ở ngoài trời đã bắt đầu trở lạnh. Hai mẹ con mặc không lấy gì làm ấm. Nhưng phía trong, chỗ mà tôi tưởng góc tối còn mấy đốm than hồng, được nhóm từ đôi thanh củi gộc. Hai mẹ con ngồi đó ngóng khách. Ngóng cả bố đang đi đưa giò cho các khách đặt qua mạng.
Chị hỏi mấy giờ có trận bóng. “Em ước ngày nào cũng đá bóng,” chị mơ màng. Vì những hôm đó người đặt giò nhiều để vừa nhậu vừa xem. Nhất là COVID này, còn thú vui nào hơn.
Rồi tự dưng chị bảo, Tết này khéo vợ chồng em ở Hà Nội. Về quê tốn lắm. Tôi băn khoăn có xa đâu, tốn gì. “Mừng tuổi các cụ bên chồng sơ sơ cũng mất chục triệu”. Thì mình bảo năm nay COVID làm ăn khó khăn, chúng cháu chỉ có ngần này thôi, tôi nói những gì mình chợt nghĩ. “Không được, dù gì mình cũng là người đi làm ăn ở thành phố về, người ta soi lắm”. Chị kể giọng như vẫn còn ấm ức. “Các cháu cũng phải một trăm một đứa không ít hơn được. Mùng Một năm ngoái em mừng tuổi một lúc mất sáu trăm mà chẳng ai thèm mừng lại con mình”.
Đầu tiên tôi thấy cũng bất ngờ về mức sống ở quê vì nói thực là tôi mừng tuổi bọn trẻ còn ít hơn mức đó. Tiếp theo tôi cũng thấy dấu hiệu bất công trong cư xử với người mang tiếng ở thành phố về. Tết đến, bọn trẻ thích nhất vì tiền từ người lớn chảy vào túi chúng một cách chính đáng. Bỗng nhiên một đứa trẻ không được mừng tuổi. Có phải dòng tiền bị tắc nghẽn không.
Mà theo tục lệ thì càng bé càng được mừng tuổi nhiều. Thể hiện sự quan tâm chăm sóc đặc biệt với thế hệ mầm non. Ở chiều ngược lại, các cụ càng thọ càng được cung kính cũng qua số phong bao con cháu mừng cụ hưởng thêm một mùa Xuân.
Nhưng chẳng có một định mức là phải mừng bao nhiêu. Phong bao đưa lời chúc. Số tiền có tính tượng trưng. Các cụ cũng chẳng tiêu gì mấy, rồi lại tán lộc cho con cháu cả. Nó giống như cách khách khứa ủng hộ cổ vũ con cháu trong việc chăm sóc cụ vậy. Nuôi trẻ sơ sinh cũng tốn công tốn của nên mỗi người được dịp góp thêm chút ít cho cháu thêm cứng cáp. Đấy là tôi suy diễn theo lối phàm trần chứ ý nghĩa tinh thần vẫn là căn cốt của tục mừng tuổi.
Trẻ con bỗng được cầm nhiều tiền cứ sướng cái đã. Rồi mẹ ngọt nhạt một hồi lại đưa ngay. Dù trong lòng vẫn hơi ấm ức. Có năm còn đánh rơi luôn cả cục. Toàn tiền mới nữa chứ. Tiếc đến tận bây giờ.
Nhưng nếu được mừng tuổi một tờ tiền cũ, càng nên trân trọng người mừng. Vì đồng tiền đó thực sự được rút ra từ công sức lao động cả năm trời của họ. Cũng như vậy, khi mệnh giá có thể không nhiều nhặn gì so với mức tiêu pha của chúng ta nhưng là cả những chắt chiu của người đã có lòng mừng tuổi - cũng là mừng cho hiện diện của ta trong cuộc đời thì càng giá trị chứ.
Hồi bé tôi để ý ngoài họ hàng thì những người thân cận với bố mẹ tôi sẽ mừng tuổi tôi nhỉnh tiền hơn. Trong đó có cả những người đang nhờ vả bố mẹ tôi việc gì đó chẳng hạn. Sau này khi đi làm tôi cũng tái hiện cung cách đấy. Tức là có sự thiên vị trong mừng tuổi những đứa trẻ là con của những người quan trọng với mình. Dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười. Ví như hai đứa trẻ đang chơi với nhau thì nhận được hai phong bao trị giá khác nhau. Chúng mở ra xem luôn và thắc mắc.
Hồi bé nếu có tiền thì việc đầu tiên và duy nhất tôi nghĩ đến là đi mua sách. Tôi nghĩ sách đã cho mình nhiều. Và nếu mình trao lại cho thế hệ sau những cuốn sách tốt cũng là một cách đáp đền tiếp nối. Tháng 11/2021 một đám cưới tại TPHCM của chú rể quê Yên Bái và cô dâu quê An Giang chỉ nhận sách tặng thay vì phong bì. Chú rể nguyên đứng đầu một hội chuyên tặng sách cho trò vùng cao mà cô dâu là thành viên. Đám cưới của họ thu hút cả những người không quen biết, từ tỉnh khác đến dự, dù chẳng có tiệc tùng. Hay Tết này tôi cũng làm một giá sách thiếu nhi ở phòng khách cho bọn trẻ đến chơi tha hồ chọn. Vả lại, sách tất nhiên thuộc về chúng, bố mẹ không thể xơ múi gì ngoài việc đọc ké.
Tôi nói với chị bán giò, những người không thực sự thương và hiểu mình, việc gì phải lấy lòng họ, dù chỉ bằng số tiền mừng tuổi. Chứ có quê tội gì không về Tết. Chị vẫn lắc đầu. Cũng phải, vì người vợ chẳng gì cũng mang tiếng tay hòm chìa khóa. Làm gì ở thành phố mà đến mừng tuổi các cụ cũng không ra hồn, có khi người ta lại được thể dèm pha cô vợ không biết vun vén.
Tôi xui thôi về quê ngoại ăn Tết. Mà bên ngoại lại toàn chị em gái chứ. Thôi về cho các cụ vui. Chứ COVID thế này càng không nên bỏ lỡ cơ hội đoàn tụ. Vâng anh nhỉ, sống nay chết mai ai biết thế nào… Vừa lúc anh chồng lưng to như gấu xịch xe máy về. Tôi cầm trên tay túi giò nóng hổi thơm mùi lá. Hai mươi chiếc đúng bằng số tiền chị mừng tuổi một đứa cháu ở quê.