Mụn nhọt gây trầm cảm và ngược lại!

TPO - Mối quan hệ giữa hệ thần kinh và làn da làm chúng ta liên tưởng đến cặp song sinh. Người này đau ốm, người kia khổ sở - và ngược lại.

Vì thế trầm cảm, stress nghiêm trọng và tâm trạng khó chịu thường gắn liền với các bệnh da liễu – chuyên gia về các bệnh da liễu, GS Anna Zalewska-Janowska khẳng định.

+ Theo giáo sư, trạng thái sức khỏe của cơ thể tác động nhiều hơn đến trạng thái tâm lý, hay ngược lại?

- Trạng thái thể chất và tâm lý tác động lẫn nhau với mức độ ngang bằng. Bệnh da mãn tính đẩy con người vào tình trạng liên tục khó chịu. Trái lại tình trạng tâm lý căng thẳng tương tác với hệ miễn dịch bị suy yếu làm cho trạng thái tồi tệ của làn da càng xấu đi. Đó là cái vòng luẩn quẩn khép kín.

+ Theo giáo sư, có thể giải quyết tình trạng nan giải như vậy bằng cách nào?

- Đối phó với mối quan hệ phức tạp ấy đã xuất hiện chuyên ngành mới, vừa có kiến thức tâm lý trị liệu, tâm lý học, khoa da liễu, y học thẩm mỹ và mỹ phẩm học – gọi tắt là tâm lý học da liễu. Bởi lẽ một số bệnh về da có nền tảng trong tâm lý, là nguyên nhân trạng thái tinh thần xấu, mất ngủ hay liên tục buồn chán. Cũng không hiếm trường hợp có người mắc bệnh tưởng, lúc nào cũng cảm thấy ngứa ngáy hoặc đau đớn, song thực tế cơ thể vẫn hoàn toàn bình thường.

+ Giáo sư có nói, da và hệ thần kinh làm chúng ta liên tưởng đến cặp song sinh…

- Đúng thế. Chúng liên quan mật thiết đến nhau.

Da và hệ thần kinh trung ương cũng có chung hợp chất có tên là chất dẫn xuất thần kinh. Chúng nằm trong não bộ và các thụ cảm cảm giác của da. Những hợp chất đó tham gia vào các quá trình viêm nhiễm và miễn dịch, cũng như các phản ứng với stress và đau đớn.

+ Những bệnh da liễu nào trầm trọng hơn dưới tác động của stress?

- Các bệnh viêm da do dị ứng, bệnh nấm da, trứng cá, mụn nhọt. Hội chứng trầm cảm thường đi liền với những bệnh đó khiến cho chúng càng trở nên trầm trọng. Mặc cảm của người bệnh với môi trường xung quanh, các cuộc thăm khám và sự cần thiết phải sử dụng nhiều loại thuốc trở thành áp lực tiếp theo. Từ lâu stress đã bị coi là nhân tố gây nấm da. Tình trạng viêm da dị ứng trở nên trầm trọng thường là hậu quả những chấn thương tâm lý, thí dụ cha mẹ bỏ nhau (con cái mắc bệnh) hoặc người thân mắc bạo bệnh. Tương tự trong trường hợp mụn nhọt. Cho dù virus là nguyên nhân chính, song các nhân tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng. Một khi cơ thể mất khả năng đề kháng do stress mạnh, virus sẽ tận dụng cơ hội gây bệnh.

+ Theo giáo sư, tâm lý phản ứng thế nào với chứng bệnh?

- Những biến đổi khó chịu trên làn da trở thành nguồn gốc stress và nguyên nhân không ít rắc rối về tình cảm, những rối loạn thần kinh và thậm chí trầm cảm. Những nghiên cứu bệnh nhân bị nấm da cho kết quả: có tới 98% cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng vì hình thức của mình, 58% rơi vào trạng thái gần như hoảng loạn. 40% đối tượng khổ sở vì nấm da trong nghiên cứu khác cho rằng, bệnh này tác động tiêu cực đến sinh hoạt tình dục của họ. Bệnh egzema khiến cho không ít người rơi vào trạng thái tự ti và thậm chí có ý nghĩ tìm đến cái chết. Công trình nghiên cứu do Trung tâm Dịch tế học Italia thực hiện tại quốc gia này với sự tham giá của trên 2 ngàn bệnh nhân egzema cho thấy: có tới 62% số người bị bệnh trầm cảm.

+ Làm sao thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó?

- Đó là việc làm không dễ và thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tìm đến rượu hoặc thuốc an thần, hoặc thuốc ngủ là cách thức tự xoay sở tồi tệ nhất với stress vì bệnh da liễu. Từ đây đến nghiện ngập chỉ còn một bước ngắn. Với các bệnh da dạng này, cần thiết phải có sự cộng tác giữa bác sĩ da liễu và chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý trị liệu.

+ Chuyên gia tâm lý có thể biết thông tin gì quan trọng từ nạn nhân eczema?

- Trước tiên chuyên gia sẽ hỏi, gần đây có xảy ra chuyện gì không vui. Có thể là mâu thuẫn tại nơi làm việc, sự chia tay với người thân – tức những trải nghiệm làm tổn thương tâm lý bộc lộ qua bệnh ngoài da. Với nhiều bệnh da liễu, nhất là trong điều trị các bệnh nấm da, bác sĩ tâm lý trị liệu có thể đóng vai trò khá quan trọng.

+ Nghe nói, các bệnh ngoài da bao giờ cũng gắn liền với trải nghiệm tâm lý bi quan?

- Đúng thế. Thực tế nghiên cứu cho thấy, thậm chí chất lượng sống của những nạn nhân các bệnh ngoài da mãn tính tồi tệ hơn nhiều so với đối tượng mắc các bệnh nghiêm trọng hơn nhiều, thí dụ bệnh áp huyết cao hay bệnh tiểu đường. Đã trở thành thực tế phi lý, khi biết rằng, chỉ vài vết chàm nhỏ trên cánh tay có thể khiến khổ chủ rơi vào trạng thái tâm lý nặng nề hơn hẳn trường hợp mắc bệnh tim hoặc bộ phận nào đó của cơ quan nội tạng. Vì thế nạn nhân mắc bệnh da liễu luôn phải quan tâm đến hình thức bên ngoài của mình. Đó là lý do thất vọng và stress tiếp theo.

+ Có thể né tránh stress bằng cách nào, thưa giáo sư?

- Điều đó hoàn toàn không thể. Trong những thời xa xưa stress từng đóng vai trò tích cực – tạo điều kiện trốn chạy vào những thời điểm tính mạng bị đe dọa. Ngày nay stress gây ra bệnh tâm thế, tức thí dụ đau đầu. Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh, 80% nạn nhân stress bị đau đốt sống cổ và đau lưng vì stress. Nghiên cứu khác chứng minh rằng, 5 phút stress dẫn đến tình trạng nồng độ hoóc-môn stress cortisol kéo dài trong thời gian 6 tiếng. Nó dẫn đến tình trạng gia tăng áp huyết, tăng nhịp tim, kìm hãm hoạt động của hệ miễn dịch và gây ra những triệu chứng trầm cảm. Và tình trạng bệnh ngoài da nghiêm trọng hơn là hậu quả tiếp theo. Bởi lẽ không thể né tránh stress, cần phải học cách tự xoay sở với nó.

+ Giáo sư có thể nói cụ thể hơn?

- Lao động chân tay là cách tốt nhất, thí dụ chăm sóc vườn cây, quét dọn nhà cửa hoặc tham gia hoạt động thể dục-thể thao. Khiêu vũ cũng là hoạt động xua đuổi stress đặc biệt hiệu quả. Vấn đề là giải phóng năng lượng có ích và suy nghĩ tích cực. Điều đó sẽ cho phép chúng ta thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn. Không có gì tốt hơn lòng tự tin và tư duy lạc quan.Tôi vẫn khuyên bệnh nhân của mình, chủ nghĩa lạc quan sẽ phát huy tác dụng cải thiện trạng thái làn da và nâng cao chất lượng cuộc sống với bệnh tật.

Khuê Minh
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại