Mũi vắc-xin đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00

Hôm qua, hàng trăm y bác sĩ, nhân viên chống dịch tuyến đầu ở Hải Dương, Hà Nội và TPHCM đều nở nụ cười rạng ngời khi họ được tiêm những mũi vắc xin đầu tiên.

Vậy là sau một năm mòn mỏi đợi chờ, những mũi vắc-xin đầu tiên đã được tiêm cho những người tuyến đầu ngày đêm đối mặt với COVID-19, bảo vệ cộng đồng.

Còn gì hạnh phúc bằng khi trong người họ đã có tấm “áo giáp” để bảo vệ, để đương đầu với đại dịch COVID-19 chưa xác định hồi kết.

Cũng như hàng trăm y bác sĩ được tiêm vắc-xin, hôm qua có lẽ là ngày không thể quên với bác sĩ trẻ Dư Lê Thanh Xuân, công tác ở khoa Hồi sức - chống độc người lớn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, khi cô được ưu tiên tiêm mũi vắc-xin phòng dịch đầu tiên. Nữ bác sĩ 28 tuổi này nói rằng cả đêm không ngủ khi ban giám đốc thông báo cô được chọn tiêm vắc-xin đầu tiên, thậm chí trong đêm cô đã nằm mơ vì hồi hộp và đợi chờ. Xuân, được biết đến không phải có thời gian dài chăm sóc bệnh nhân phi công người Anh mà còn là “cô gái của nhiều lần hoãn cưới”. Gác lại 2 lần cưới xin vì đại dịch ập đến, gác lại chuyện gia đình, chuyện tương lai, để ra tuyến đầu chống dịch, có lẽ là điều không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận.

Trong lời cảm ơn đội ngũ y bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ví họ như những “chiến binh” và cần được mang tấm áo bảo vệ khi ra trận mạc phòng chống dịch COVID-19, đó là vắc-xin. “Đây là một ngày đặc biệt” - Thứ trưởng Sơn nói, bởi theo ông vì đây là ngày có nhiều người được tiêm những liều vắc-xin đầu tiên và là chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Tự hào khi là một trong số nước đầu tiên ở Đông Nam Á tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nhưng điều ông quan tâm hơn có lẽ không chỉ những đối tượng ưu tiên được tiêm lần này mà cần trang bị những chiếc “áo giáp” cho toàn bộ người dân, càng sớm càng tốt. Ước muốn của Thứ trưởng Sơn cũng là điều mà Chính phủ, Bộ Y tế và Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam đang nỗ lực suốt thời gian qua để thương thảo cho các liều vắc-xin tiếp theo cập cảng, để người dân ai cũng sẽ có… những mũi tiêm đầu tiên.

Châu Âu tuần qua nói rằng “sẽ khép lại dòng chảy vắc-xin phòng COVID-19 ra nước ngoài” khi số ca mắc và tử vong tại Liên minh này đang có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, cánh cửa hy vọng không phải đóng lại với nước ta. Nga, vừa thông báo sẽ hỗ trợ Việt Nam 60-100 triệu liều vắc-xin Sputnik V sau những nỗ lực đàm phán giữa hai Chính phủ. Trong khi đó, 30 triệu liều vắc-xin khác của hãng AstraZeneca của Anh cũng đã được Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam ký hợp đồng cung cấp trong năm nay. Ngoài ra, 50 triệu liều từ hãng Pfizer cũng đang được Bộ Y tế đàm phán với những tín hiệu lạc quan. Ở trong nước, 3 đơn vị sản xuất vắc-xin COVID-19 cũng đang bước vào giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng và bước đầu được đánh giá khả quan… Hiện thực hơn, khi vào tháng 4 này sẽ có 1,3 triệu liều vắc-xin hỗ trợ từ chương trình COVAX sẽ về đến, người dân của 13 tỉnh thành có dịch chắc chắn sẽ được “bảo vệ” từ lá chắn vắc-xin này.

Những tín hiệu lạc quan ấy cho chúng ta những tia hy vọng mới. Tất cả công dân Việt Nam, ai cũng có thể tiếp cận được chiếc “áo giáp” vắc-xin này.

MỚI - NÓNG