Mùa xuân đánh thức thư pháp Việt

TP - Chưa bao giờ bộ môn được gọi là thư pháp Việt lại ngàn hoa nở rộ như hiện nay. Trong một thế giới của điện thoại thông minh, Internet và số hóa thì việc tìm kiếm vẻ đẹp chữ nghĩa nguyên thủy trở thành một thú chơi tao nhã của những người thích sống chậm trong ngày Tết.

Người trẻ thích chữ

Hồ Hiểu theo đuổi thư pháp Việt đã được 7 năm. Anh kể: “Những ngày dịch COVID-19, em ngồi luyện nét bút, chiêm nghiệm về cuộc sống. Sau dịch, bỗng thấy đam mê chữ nghĩa hơn”. Hiểu đã hai năm viết thư pháp tại các chợ hoa vào dịp Tết.Anh tâm sự: “Em mới vào nghề nên chỉ viết chữ đơn giản vào các bao bì mừng tuổi. Mỗi ngày bán được khoảng 100 bao. Công việc chính của em là làm tại phòng tranh, viết chữ là đam mê”. Hiểu nói thêm: “Em không được may mắn học đại học, nhưng có lẽ vì vậy em càng đam mê chữ nghĩa, thích viết chữ. Con người ta có nhiều cách để học, không cứ phải tới giảng đường đại học”.

Mùa xuân đánh thức thư pháp Việt ảnh 1

Bao lỳ xì thư pháp hút khách. Ảnh: Trần Nguyên Anh.

Anh Cường, Phó chủ nhiệm CLB Thư pháp Nét Việt của Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM nói với tôi: “CLB của chúng em thành lập 2007. Gọi là CLB Nét Việt nên chủ yếu chúng em viết chữ Việt, số lượng các tác phẩm viết bằng chữ Hán ít”.

CLB thư pháp Nét Việt, theo anh Cường cho biết thì luôn có khoảng 30 bạn sinh hoạt mỗi tuần một lần, trong đó có 6 bạn nữ. Họ đóng góp lệ phí để mua giấy mực. “Đa số hội viên chúng em đều trẻ, thích thú khám phá chữ nghĩa. Trước đây, từ giấy bút mực đều mua của Trung Quốc, rồi phong trào phát triển, anh em tự mày mò làm giấy, làm bút…”.

Thư pháp Việt không chỉ được thể hiện trên giấy mà còn được thể hiện trên nhiều chất liệu khác. Đức Dự, một thành viên CLB Nét Việt chuyên viết chữ trên đĩa. Anh bán một chiếc đĩa như vậy giá khoảng 250.000–300.000 đồng, nhiều người mua. Dự nói: “Em theo nghề thư pháp 13 năm, trong đó 10 năm tham gia vào các chợ Tết. Là một sinh viên mỹ thuật công nghiệp, cá nhân em thấy thư pháp Việt là nét độc đáo và nhiều triển vọng. Sản phẩm của em tiêu thụ rất tốt”.

Năm nay Tết con mèo, Đức Dự vẽ bức tranh mèo 3D để viết thư pháp với giá lên tới 30 triệu đồng. Nhiều người xem trầm trồ, thán phục. Sự kết hợp giữa hội họa 3D hiện đại kết hợp với bộ môn thư pháp cổ tạo ra một sản phẩm “xuyên thời gian” lạ mắt.

Chữ nghĩa hòa mình vào cuộc sống đương đại

Theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng: “Thư pháp Việt có thể đưa vào những bài thơ, bài văn mới, viết bằng chữ quốc ngữ, điều mà thư pháp chữ Hán không thể làm được”.

Mùa xuân đánh thức thư pháp Việt ảnh 2

Cô đồ cho chữ.

Những ngày đầu xuân Quý Mão, nhà thơ Phạm Thiên Thư nhận được một món quà độc đáo. Đó là tuyển tập thơ Phạm Thiên Thư được viết hoàn toàn bằng thư pháp Việt, với hàng trăm bài và hàng trăm tác giả tham gia. Nhà thơ lão thành Phạm Thiên Thư nói: “Thơ của tôi luôn đề cao tinh thần dân tộc và tôi trân trọng tấm lòng của các bạn trẻ khi họ dùng thư pháp Việt Nam để diễn tả thơ của tôi”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật, Tiến sĩ Trần Thị Biển nói: “Việc kết hợp thư pháp với tranh là một mảng lớn của nghệ thuật hội họa. Nghệ thuật Typography dùng đồ họa để thể hiện con chữ với tinh thần, ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải là một ngành nghệ thuật hiện đại đang rất cuốn hút giới trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, Marketing”.

Thư pháp Việt được sử dụng trong rất nhiều đình chùa. Ngay cả các câu đối trong đình Thông Tây Hội, một trong những ngôi đình cổ nhất Nam Bộ cũng sử dụng các câu đối tiếng Việt và viết bằng thư pháp quốc ngữ.

Dần dần, người ta đã quen với những bức thư pháp hay các đại tự với chữ Phúc, Đức, Tâm, Nhẫn… viết bằng tiếng Việt. Cùng với đó có những cuộc tranh cãi về chữ xấu, chữ đẹp, chữ thô, chữ thanh trong thư pháp tiếng Việt. Việc nghiên cứu, “nâng cấp” thư pháp chữ quốc ngữ vẫn tiếp tục được hoàn chỉnh.

Minh Anh, quê Ninh Thuận, đam mê thư pháp tới mức cô tìm được bạn đời cùng nghề thư pháp. Cô nói: “Em tập viết chữ từ chính chồng em, một nhà thư pháp trẻ và học tập thêm trong sách vở, qua mạng”. Cô nói: “Chữ xấu, đẹp thì xưa nay mười người mười ý, song người xem, người mua cũng đủ sự cảm nhận và hiểu biết để lựa chọn những chữ đẹp nhất về cho mình. Điều khẳng định là phần lớn giới thư pháp Việt chúng em vẫn đang sống được bằng nghề của mình, chúng em được xã hội công nhận”.

Một nghệ thuật mới

Anh Việt Cường là một nghệ nhân chế tác tranh. Anh nói: “Nếu không có thư pháp Việt thì làm sao tôi có thể đưa câu ca dao bất hủ vào các bức tranh của mình làm ra?”.

Anh Việt Cường thường chạm khắc nổi các bức tranh phong cảnh làng quê, rồi đưa các câu ca dao, tục ngữ vào tranh. Mỗi bức như vậy giá bán hàng triệu đồng và có năm anh phải thức trắng cả đêm 30 Tết để kịp làm cho khách treo xuân.

Chị Thảo – người được đánh giá có chữ viết tốt, nói: “Em từng học Đại học Hoa Sen, dù làm kinh doanh nhưng vẫn thích viết lách”. Anh Đào Chiến có 17 năm viết thư pháp nói: “Học viên của tôi nhiều người là doanh nhân. Họ yêu thích chiêm nghiệm, trải nghiệm thư pháp. Bản thân tôi có phòng tranh thư pháp và sống được nhiều năm nay nhờ bán tranh thư pháp chữ Việt”.

Anh Thiện là nghệ nhân viết chữ trên áo dài. Anh nói: “Áo dài có viết chữ thư pháp Việt đắt hơn áo thường 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Có ngày tôi nhận được hợp đồng viết thư pháp trên cả chục cái áo dài rất công phu, đắt tiền. Vất vả nhưng thấy vui”.

Thư pháp Việt còn xuất hiện trên tranh gỗ, các tranh tượng, nghề đồ đồng. Nhiều bức thư pháp làm từ chất liệu đồng, thậm chí làm bằng vàng.

Có không ít người nghi ngờ về thư pháp chữ quốc ngữ và tin rằng thư pháp đích thực chỉ là thư pháp chữ Hán. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Hà Vũ Trọng cho biết: “Chúng ta nên nhớ là người châu Âu cũng có nghệ thuật viết chữ từ rất lâu đời (với chữ La Tinh, tiếng Anh là “Typography”), có truyền thống bề dày rất đáng nể. Thậm chí có những nhà thư pháp Trung Quốc từng viết chữ Hán theo phong cách nghệ thuật viết chữ của châu Âu với hy vọng lan tỏa văn hóa Hán ra châu Âu”.

Anh Việt Cường hoàn thành bức tranh thư pháp khổng lồ, phải dùng ô tô để chở. Trên bức tranh ta thấy có cảnh sông núi, nhà cửa ruộng vườn, bến nước sân đình và những câu ca dao. Anh nói: “Không cảnh trí nào hay hơn là phong cảnh Việt và thơ Việt cùng kết hợp với nhau trong cùng một tác phẩm”.